Việt Nam ở đâu trong bản đồ thế giới? Câu hỏi trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết vì quá trình toàn cầu hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Chắc chắn, “ở đâu” hoàn toàn không là vị trí địa lý mà là trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong tâm trí người tiêu dùng thế giới.
Không hẹn mà gặp, Philip Kotler, một chuyên gia tiếp thị tầm cỡ thế giới, và như mới đây với Michael Porter, chiến lược gia hàng đầu thế giới, cùng đặt ra câu hỏi này cho Việt Nam.
Ai cũng biết một quốc gia cần xác định cho mình một chỗ đứng độc đáo trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Toàn cầu hoá, một thuật ngữ không còn xa lạ ngay cả với người nông dân Việt Nam. “Bếp ăn thế giới” ý của Philip
Kotler, hay “nông nghiệp – thuỷ sản” từ Michael Porter chỉ là hai gợi ý có tính tham khảo (vì thực sự các chuyên gia bậc thầy này chưa nhận được một đơn hàng chính thức cho việc xây dựng định vị Việt Nam).
Tuy nhiên, một điều hiển nhiên có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành một ngành quan trọng. Gạo, thuỷ sản, cà phê đã từng bước tham gia vào câu lạc bộ tỷ đô la xuất khẩu mỗi năm. Vị thế của gạo, thủy sản, hồ tiêu, … Việt Nam ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong thị trường tiêu thụ thế giới.
Tại Hội nghị tìm lối thoát cho xuất khẩu nông sản, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát so sánh, nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng thì Việt Nam chỉ được 30 đồng nhưng với 100 đồng xuất khẩu nông sản sẽ thu về 70 đồng. Như vậy chỉ cần tăng thêm 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản tương đương với với việc phải tăng trên 2 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng khác. Trong khi nông sản Việt Nam gắn liền với gần hai phần ba dân số.Nếu xem Việt Nam như một đàn sếu bay, một Việt Nam thoát nghèo, cất cánh không thể chỉ nhìn vào sức bay của chim đầu đàn mà chính là sức bay của con cuối đàn.
Những cư dân thành phố, đô thị lớn luôn có mức thu nhập cao hơn cư dân nông thôn. Nhưng cho dù có tăng trưởng mạnh về thu nhập của người thành phố thì “đàn sếu” cũng chẳng thể bay nhanh.
Liệu đã đến lúc phải có những phân tích cẩn trọng, toàn diện về thế mạnh Việt Nam,về nông nghiệp nông thôn trong chiến lược quốc gia về định vị Việt Nam? Nông thôn,nông nghiệp, nông dân Việt Nam phải được trả về xứng đáng những gì đã đóng góp thay vì những ưu tiên duy ý chí cho xe hơi, cho đóng tàu, cho lập trình, … mà kết quả lại chưa hề chứng minh được.
TP HCM, Dec 10th 2008
Đoàn Đình Hoàng
Brand Ascend Consulting
Comments
Post a Comment