Skip to main content

Franchise Việt Nam - Kỳ 3: Khái quát và vai trò của nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế (tt)

2. Vai trò của nhượng quyền thương mại
2.1 Vai trò của nhượng quyền thương mại trong các nền kinh tế phát triển
• Hiệp hội nhượng quyền kinh doanh Quốc tế , hiệp hội lớn nhất nước Mỹ và thế giới đã định nghĩa nhượng quyền kinh doanh như sau:
"Nhượng quyền kinh doanh là mối quan hệ theo hợp đồng, giữa Bên giao và Bên nhận quyền, theo đó Bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của Bên nhận trên các khía cạnh như: bí quyết kinh doanh (know-how), đào tạo nhân viên; Bên nhận hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do Bên giao sở hữu hoặc kiểm soát; và Bên nhận đang, hoặc sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của mình".
Theo định nghĩa này, vai trò của Bên nhận quyền kinh doanh trong việc đầu tư vốn và điều hành doanh nghiệp được đặc biệt nhấn mạnh hơn so với trách nhiệm của bên giao quyền. Quan điểm này cũng xuất phát từ sự chênh lệch về quyền lực và chênh lệch về thông tin giữa các bên trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền. Những yêu cầu mạnh mẽ hơn về phía bên nhượng quyền nhằm đảm bảo lợi ích cho bên nhận quyền. Tuy nhiên, định nghĩa cũng chỉ ra tính độc lập tương đối giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
• Định nghĩa của Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ lại nhấn mạnh tới việc Bên giao quyền kinh doanh hỗ trợ và kiểm soát Bên nhận trong hoạt động. FTC định nghĩa một hợp đồng nhượng quyền kinh doanh là hợp đồng theo đó Bên giao:
o hỗ trợ đáng kể cho Bên nhận trong việc điều hành doanh nghiệp hoặc kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của Bên nhận.
o li-xăng nhãn hiệu cho Bên nhận để phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của Bên giao và
o yêu cầu Bên nhận thanh toán cho Bên giao một khoản phí tối thiểu.
• Cộng đồng chung Châu Âu EC (nay là liên minh Châu Âu EU) lại định nghĩa nhượng quyền kinh doanh theo hướng nhấn mạnh tới quyền của Bên nhận, khi sử dụng một tập hợp quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù, ghi nhận vai trò của thương hiệu và hệ thống, bí quyết kinh doanh của Bên giao quyền, định nghĩa này không đề cập tới những đặc điểm khác của việc nhượng quyền kinh doanh. EC định nghĩa quyền kinh doanh là một "tập hợp những quyền sở hữu công nghiệp và sở hữu trí tuệ liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu cửa hàng, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, bản quyền tác giả, bí quyết, hoặc sáng chế sẽ được khai thác để bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng cuối cùng". Nhượng quyền kinh doanh có nghĩa là việc chuyển nhượng quyền kinh doanh được định nghĩa ở trên.
• Luật Mêhicô đề cập tới lợi ích của việc nhượng quyền kinh doanh về mặt hỗ trợ kỹ thuật (technical assistance) và nhấn mạnh tới việc chuyển giao "kiến thức kỹ thuật" (technical knowledge) để bán sản phẩm, hoặc dịch vụ đồng bộ và có chất lượng. Luật sở hữu công nghiệp của Mêhicô có hiệu lực từ 6/1991 quy định:
"Nhượng quyền kinh doanh tồn tại khi với một li-xăng cấp quyền sử dụng một thương hiệu nhất định, có sự chuyển giao kiến thức công nghệ hoặc hỗ trợ kỹ thuật để một người sản xuất, chế tạo, hoặc bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ đồng bộ với các phương pháp vận hành (operative methods), các hoạt động thương mại, hoặc hành chính đã được chủ thương hiệu (brand owner) thiết lập, với chất lượng (quality), danh tiếng (prestige), hình ảnh của sản phẩm, hoặc dịch vụ đã tạo dựng được dưới thương hiệu đó."
Định nghĩa này phản ánh một phần quan điểm của Mêhicô là một nước đang phát triển có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu công nghệ và bí quyết kinh doanh từ nước ngoài.
• Ở Nga, thỏa thuận nhượng quyền kinh doanh được định nghĩa là "Sự nhượng quyền thương mại" (commercial concession). Chương 54, Bộ luật dân sự Nga định nghĩa bản chất pháp lý của "sự nhượng quyền thương mại" như sau:
"Theo Hợp đồng nhượng quyền thương mại, một bên (bên có quyền) phải cấp cho bên kia (bên sử dụng) với một khoản thù lao, theo một thời hạn, hay không thời hạn, quyền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh của bên sử dụng một tập hợp các quyền độc quyền của bên có quyền bao gồm, quyền đối với dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, quyền đối với bí mật kinh doanh, và các quyền độc quyền theo hợp đồng đối với các đối tượng khác như nhãn hiệu hàng hoá , nhãn hiệu dịch vụ,.."
Tương tự như định nghĩa của EU, định nghĩa của Nga nhấn mạnh tới việc Bên giao chuyển giao một số quyền sở hữu trí tuệ độc quyền cho Bên nhận để đổi lấy những khoản phí nhất định, mà không đề câp đến vai trò, nghĩa vụ của bên nhận.
Tất cả các định nghĩa về nhượng quyền kinh doanh trên đây đều dựa trên quan điểm cụ thể của các nhà làm luật tại mỗi nước . Tuy nhiên, có thể thấy rằng các điểm chung trong tất cả những định nghĩa này là:
• quan hệ nhượng quyền thương mại về bản chất là quan hệ hợp đồng;
• việc một Bên độc lập (Bên nhận) phân phối sản phẩm, hoặc dịch vụ dưới nhãn hiệu hàng hóa, các đối tượng khác của các quyền sở hữu trí tuệ, và mô hình kinh doanh đồng bộ do một Bên khác (Bên giao) phát triển và sở hữu;
• để được phép làm việc này, Bên nhận phải trả những phí và chấp nhận một số hạn chế do Bên giao quy định;
• có sự phân biệt khá rõ rệt về chức năng của mỗi bên trong hệ thống nhượng quyền
o bên nhượng quyền đảm nhiệm vai trò chính trong việc phát triển hệ thống: tạo dựng uy tín của thương hiệu, chuẩn hoá các quy trình, khẳng định tính ưu việt của hệ thống, hỗ trợ về huấn luyện, các điều kiện cần thiết khác để bên nhận quyền triển khai tốt nhất hoạt động kinh doanh
o bên nhận quyền chịu trách nhiệm triển khai hoạt động kinh doanh: đầu tư về vốn, nguồn lực, trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh dưới sự hỗ trợ liên tục của bên giao quyền

Nhìn từ các quan điểm khác nhau về nhượng quyền thương mại trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định “nhượng quyền thương mại, xét về bản chất, là một cách thức mở rộng kinh doanh”. Do vậy, sự phát triển của nhượng quyền thương mại gắn chặt với sự phát triển kinh tế. Tính tiên tiến trong phương thức phân phối theo nhượng quyền giúp doanh nghiệp bành trướng một cách mau lẹ và vượt qua được các rào cản về vốn, công nghệ, nguồn lao động, hệ thống quản lý, sự am hiểu về địa phương, v.v. đã tạo ra những đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Lợi ích trong nhượng quyền thương mại đến từ cả ba bên trong mối quan hệ bên nhượng quyền – bên nhận quyền và người tiêu dùng.

Để có thể hiểu rõ hơn những ích lợi đến từ nhượng quyền thương mại đến nền kinh tế ta xem qua một vài ví dụ.
Trường hợp của McDonald , thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới gắn liền với khái niệm nhượng quyền. Đây là hệ thống nhượng quyền đã hiện diện ở 119 nước trên thế giới, có lượng khách hàng tiêu thụ mỗi ngày lên đến 47 triệu lượt (Nguồn: Asia-Inc)

Năm thành lập: 1955
Thời điểm bắt đầu áp dụng nhượng quyền: 1955


Kroc Dr.
Oak Brook, IL 60523
Phone: (630)623-6196
Fax: (630)623-5658
www.mcdonalds.com

Đây là một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (Public company)

McDonald có 885 lao động
Trong đó: 15 lao động thuộc bộ phận Nhượng quyền
Tăng trưởng hệ thống nhượng quyền thương mại

Năm Cửa hàng tại Mỹ /Cửa hàng tại Canada
/Cửa hàng ngoài Mỹ và Canada /Cửa hàng do công ty sở hữu

2004 /11.610 /867 /9.715 /8.028
2003 /11.533 /843 /9.740 /8.065
2002 /11.276 /832 /9.850 /8.262
2001 /11.051 /812 /9.455 /6.918
2000 /10.839 /787 /9.176 /6.539

Một vài thông số tính toán:
• Tính đến 2004, công ty đã có 49 năm phát triển hệ thống
• Với tổng cộng 22.192 cửa hàng trên toàn cầu, bình quân mỗi tháng hệ thống này có trên 33 cửa hàng mới khai trương. Nếu nhiệm vụ dự khai trương cửa hàng mới dành cho một người, trong suốt 49 năm liên tục, 365 ngày mỗi năm người này được phải có mặt trong ngày khai trương thì vẫn không dự hết các buổi khai trương này.
• Mức đầu tư cho một cửa hàng McDonald khoảng từ 200.000 đến 1 triệu đô la Mỹ. Để mở được tổng số cửa hàng trên, chủ nhân thương hiệu phải đầu tư 443, 840 – 22. 192 triệu đô la Mỹ (hơn 1/2 GDP của Việt Nam năm 2004)
• Mỗi cửa hàng của McDonald có tối thiểu là 20 lao động, bộ phận nhân sự của công ty sẽ phải phỏng vấn tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo về nghiệp vụ, v.v trung bình 660 người mỗi tháng
• Nếu tính một cách khiêm tốn nhất, một người từ lúc có ý định đầu tư, đến khi khai trương được một cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh sẽ mất khoản thời gian 6 tháng, để có thể mở được hệ thống cửa hàng có số lượng như của McDonald, người này sẽ phải mất 11.096 năm để làm điều này.
Trường hợp của Gloria Jean's Gourmet Coffees Franchising Corp, một hệ thống nhượng quyền trong lĩnh vực cà phê và trà

Năm thành lập: 1979
Thời điểm áp dụng nhượng quyền: 1986

2144 Michelson Dr.
Irvine, CA 92612
Phone: (949)260-1600
Fax: (949)260-1610
www.gloriajeans.com Là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán
Có 40 lao động
Trong đó: có 4 lao động thuộc bộ phận nhượng quyền
Tăng trưởng hệ thống nhượng quyền thương mại
Năm /Cửa hàng tại Mỹ /Cửa hàng tại Canada /Cửa hàng ngoài Mỹ và Canada /Cửa hàng do công ty sở hữu
2003 /142 /0 /232 /10
2002 /173 /0 /140 /18
2000 /195 /0 /62 /23
1999 /213 /0 /36 /20
1998 /213 /0 /32 /34

Tính toán tương tự cho hệ thống Gloria Jean's Gourmet Coffees Franchising Corp,:
• 18 năm phát triển hệ thống
• 374 cửa hàng trên toàn cầu, bình quân mỗi 3 tháng hệ thống này khai trương 5 cửa hàng.
• Tổng giá trị đầu tư đầu tư 7,48 triệu đô la Mỹ
• Bộ phận nhân lực sẽ phải quản lý 7480 lao động ở quy mô toàn cầu

Hai ví dụ nhỏ trên đây càng củng cố mạnh mẽ cho ích lợi của nhượng quyền đối với nền kinh tế. John Naisbitt, nhà tương lai học hàng đầu thế giới phát biểu rằng: “Nhượng quyền thương mại là khái niệm tiếp thị thành công nhất trong tất cả các khái niệm đã từng phát minh”. Ngày nay, doanh số từ khu vực nhượng quyền thương mại đã chiếm đến 40% tổng mức bán lẻ của Mỹ. Ở đâu đó trên đất Mỹ, cứ mỗi 12 phút là có một nhượng quyền ra đời.

Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: Quan hệ giữa các bên trong nhượng quyền liệu có cần thiết phải điều chỉnh bởi luật riêng hay không?

Khái niệm nhượng quyền kinh doanh khá đa dạng và nhiều chiều do sự khác biệt về quan điểm và môi trường kinh tế, chính trị, xã hội giữa các quốc gia. Dựa trên sự khác nhau trong việc quản lý điều chỉnh các hoạt động nhượng quyền kinh doanh, có thể ba quan điểm khác nhau trong việc điều chỉnh hành vị nhượng quyền thương mại như sau:
(i) Nhóm các nước với hệ thống pháp luật bắt buộc (hoặc khuyến khích sự tự nguyện) công khai chi tiết nội dung của thoả thuận nhượng quyền kinh doanh như: Anbani, Úc, Brazin, Canađa (Alberta, Ontario), Trung Quốc, Pháp, Inđônêxia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaixia, Mêhicô, Rumani, Nga, Tây Ban Nha, Đài Loan, Mỹ, Vênêzuêla
(ii) Nhóm các nước điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại trên tinh thần tự nguyện: ví dụ như Quy chế Đạo đức của Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại châu Âu được các nước thành viên thông qua và có hiệu lực ràng buộc các bên nhượng quyền là thành viên
(iii) Nhóm các nước không điều chỉnh nhượng quyền kinh doanh: phần lớn các nước năm trong nhóm này. Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh hoạt động nhượng quyền ngày càng gia tăng.

Ba quan điểm trên tiêu biểu cho ba cơ sở lý luận về hành vi nhượng quyền thương mại.
• Đối với các quốc gia sử dụng luật pháp như công cụ điều chỉnh hành vi nhượng quyền thương mại bắt buộc cho rằng
o Nhượng quyền có ý nghĩa to lớn trong nền kinh tế;
o Nhượng quyền được xây dựng trên mối quan hệ không bình đẳng giữa các bên tham gia. Biểu hiện qua sự không bình đẳng về thông tin, về quyền lực;
o Chính phủ có xu hướng thúc đẩy sự phát triển của loại hình nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế
• Đối với các quốc gia điều chỉnh hoạt động nhượng quyền trên cơ sở tự nguyện cho rằng:
o Nhượng quyền có ý nghĩa to lớn trong nền kinh tế;
o Nhượng quyền được xây dựng trên mối quan hệ không bình đẳng giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, biểu hiện của sự không bình đẳng là không nghiêm trọng và các tổ chức nghề nghiệp, các quy tắc đạo đức có thể điều chỉnh khá đầy đủ quan hệ này. Sự can thiệp của pháp luật là không cần thiết;
o Chính phủ có quan tâm đến loại hình nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế nhưng không có chủ trương điều chỉnh theo định hướng kinh tế quốc gia.
• Đối với các quốc gia không xem nhượng quyền thương mại là một hoạt động cần điều chỉnh, cho rằng:
o Nhượng quyền thương mại không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế;
o Không cần thiết phải có các quy định về luật pháp để điều chỉnh hành vi này. Đây là một quan hệ dân sự bình thường trong xã hội, các bên tham gia tự thoả thuận và sử dụng pháp luật dân sự làm khung pháp lý.

2.2 Vai trò và tiềm năng của nhượng quyền thương mại ở Việt Nam

Việt Nam kể từ sau khi đổi mới kinh tế đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, về bản chất, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo với thu nhập đầu người chỉ khoảng 400 đô la Mỹ, nằm trong số các quốc gia chậm phát triển. Thời gian tích lũy cho nền kinh tế, đặc biệt là sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được chuẩn bị lại phải đối mặt với sự hội nhập kinh tế sâu trên diện rộng. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 30 tỷ đô la Mỹ mỗi năm nhưng cán cân thương mại có xu hướng thâm hụt ngày càng tăng. Sự bất ổn, thiếu bền vững của tăng trưởng thể hiện qua các điểm sau:
• tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Hàng hoá xuất khẩu Việt Nam cũng chính là thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc như dệt may, da giày, đồ gỗ, …
• tỷ trọng dân số khu vực nông nghiệp ở mức 70% nhưng giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp là rất thấp và chịu sự chi phối của thế giới về giá cả, thị trường tiêu thụ
• theo chuẩn mới về hộ nghèo, tỷ trọng hộ nghèo Việt Nam vẫn ở mức cao trên 20%
• hàng hoá Việt Nam đang có xu hướng bị thua ngay trên sân nhà khi lộ trình giảm thuế theo Hiệp định ưu đãi thuế quan khu vực Đông nam á (AFTA), Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã ở giai đoạn thực thi cam kết mở cửa thị trường, miễn giảm thuế xuất
• đầu tư về thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở mức sơ khai trước những tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp ngoại quốc
• doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở mức vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận vốn từ các định chế tài chính lại rất hạn chế do thị trường vốn Việt Nam khá èo uột và kênh vốn cho đầu tư bị biến dạng bởi sự lệch lạc trong đối xử giữa các thành phần kinh tế
• tỷ trọng lao động thất nghiệp luôn ở mức cao
Trước thực trạng trên của nền kinh tế, nhượng quyền thương mại, ít ra cũng là một mô hình tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Xin được phân tích một cách chi tiết những ích lợi thu được đối với các bên trong mối quan hệ nhượng quyền thương mại. Các lợi ích có thể rút ra như sau:
• Đối với bên nhượng quyền:
o Bên nhượng quyền có thu nhập từ phí nhượng quyền thương mại ban đầu và được hưởng một luồng tiền mặt liên tục thông qua tiêu thụ sản phẩm và từ các khoản phí nhượng quyền mà không phải cung cấp thêm vốn hoặc trực tiếp quản lý bên nhận quyền.
o Nhượng quyền thương mại thể hiện một chiến lược có hệ thống và tiết kiệm chi phí để phát triển nhanh chóng hệ thống tiếp thị với sự tham gia trực tiếp và đầu tư tài chính tối thiểu.
• Lợi thế kinh tế theo quy mô được phát huy một cách tối đa trong mô hình nhượng quyền: sức mạnh trong việc sở hữu một hệ thống đồng nhất giúp bên nhượng quyền có khả năng giảm thiểu chi phí do có quy mô lớn. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong việc giảm chi phí vận hành và chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Lấy ví dụ trong trường hợp của McDonald, hệ thống này có thể tiêu thụ đến 10.000 tấn thịt lợn mỗi ngày. Và đó là con số hấp dẫn cho bất kỳ nhà sản xuất hay hệ thống siêu thị nào trên thế giới. Do vậy, chúng ta có thể hình dung mức giá McDonal phải trả cho một tấn thịt khi mua hàng với quy mô nói trên.
• Điểm cần phân tích thêm chính là hoạt động tiếp thị xây dựng thương hiệu và nghiên cứu phát triển. Đây là hai hoạt động rất cơ bản để xây dựng và phát triển một thương hiệu. Tuy nhiên, chúng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro và đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Việc tập trung nguồn lực về một đầu mối trong toàn hệ thống để triển khai các hoạt động truyền thông tiếp thị và nghiên cứu phát triển giúp khẳng định được vị thế của thương hiệu và gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
o Hệ thống có khả năng bành trướng nhanh chóng vì có khả năng vượt qua những cản trở về áp lực quản lý. Trong hệ thống nhượng quyền, có sự phân chia rất rạch ròi về vai trò quản lý hệ thống và quản lý kinh doanh trực tiếp. Do tính chuyên nghiệp hoá này, quản trị công ty được tối ưu hoá. Bên nhượng quyền dành phần lớn nguồn lực để phát triển hệ thống thông qua các hoạt động như: quảng bá hình ảnh; hoàn thiện quy trình; đầu tư vào nghiên cứu cơ bản về hành vi tiêu dùng của khách hàng, về chiến lược phát triển, về chính sách hỗ trợ hệ thống, v.v
o Những khó khăn về vị trí địa lý, tập quán văn hoá, đặc thù địa phương đều được hệ thống nhượng quyền thương mại giải quyết khá tốt khi bên nhận quyền giải quyết các vấn đề này. Chỉ có bên nhận quyền, do phải quản lý ở quy mô nhỏ, cấp cửa hàng, lại thường là doanh nghiệp có nguồn gốc chính tại địa phuơng triển khai hoạt động kinh doanh nên sẽ am hiểu tốt hơn bên nhận quyền để có thể vận hành hoạt động kinh doanh tốt. Nói cách khác, hệ thống nhượng quyền đã khai thác được cả uy tín và cách quản trị toàn cầu nhưng triển khai phù hợp với địa phương.
o Giảm thiểu rủi ro: vận hành nhượng quyền hình thành trên quan điểm hệ thống. Một rủi ro xảy ra sẽ được san xẻ rủi ro trong toàn bộ hệ thống. Lấy ví dụ về trường hợp bệnh cúm gà trong thời gian qua. Có những lúc, chính quyền đã cấm không được kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm trong thời gian nhiều tháng thì rõ ràng một hệ thống hàng ngàn cửa hàng như KFC với thực đơn chính là gà rán thì nguy cơ phá sản hẳn không phải là không hiện thực. Trong thực tế, thiệt hại này được san sẻ đều cho cả hệ thống. Bên nhượng quyền bằng nguồn lực của mình sẽ nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra thực đơn thay thế, món cá rán của KFC là một ví dụ.
• Đối với bên nhận quyền
o Các lợi ích xuất phát từ:
• việc giảm thiểu tối đa chi phí thực và chi phí cơ hội nhờ vào hệ thống và lợi thế kinh tế theo quy mô của bên nhượng quyền
• được cung cấp toàn bộ khái niệm kinh doanh: trong nền kinh tế cạnh tranh, ý tưởng (concept) quyết định phần lớn sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp gia nhập thị trường. Với một hệ thống đã được chứng minh và thành công đã được kiểm định gắt gao bởi thị trường, khái niệm kinh doanh đó chính là lợi ích to lớn mà bên nhận quyền có được trong mối quan hệ này
• hỗ trợ quá trình khởi đầu và đào tạo về mọi mặt của việc điều hành doanh nghiệp: “vạn sự khởi đầu nan”, sự trợ giúp trong lúc khởi sự doanh nghiệp là vô cùng cần thiết vì thường bên nhận quyền rất lúng túng khi không biết phải bắt đầu từ đâu. Bộ máy quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn khởi sự bắt buộc phải trải nghiệm qua thời gian để đảm bảo sự vận hành nhịp nhàng. Dưới góc độ bên nhận quyền, tất cả các công việc giai đoạn khởi sự đều mới lạ, bở ngỡ. Ngược lại, với bên nhận quyền, đây chỉ là công việc thường xuyên và đã được trải nghiệm.
• quá trình trợ giúp, hỗ trợ và hướng dẫn liên tục: Đối với quan hệ mua bán, nhìn từ góc độ kinh doanh , hợp đồng đồng nghĩa với kết thúc quan hệ. Trong nhượng quyền, ký kết hợp đồng là điểm bắt đầu, mở ra cho các bên một quan hệ lâu dài và gắn bó chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ
o thể hiện một cơ hội sở hữu và vận hành một công việc kinh doanh đối với
• một sản phẩm hoặc phương thức kinh doanh được trải nghiệm, đã chứng tỏ sự thành công: bên nhận quyền sẽ không trả tiền cho một hệ thống không chứng tỏ được khả năng thành công
• thương hiệu được nhận biết rộng rãi: quá trình bành trướng của bên nhượng quyền, cùng với các hoạt động tiếp thị xây dựng thương hiệu đã tạo nên một vị thế nhất định trên thị trường và bện nhận quyền sẽ được thừa hưởng lợi thế này
• rủi ro tài chính tối thiểu: nghiên cứu của Phòng thương mại Mỹ từ năm 1974 đến 2002, trung bình chỉ có 5% số doanh nghiệp thất bại trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, trong khi con số tương ứng ở các doanh nghiệp không nhượng quyền là 30-65%
o thu được từ việc tiếp cận các hệ thống kinh doanh được thiết lập, các sản phẩm hoặc dịch vụ được phát triển, việc đào tạo và tư vấn kinh doanh, quảng cáo cho nhóm và rủi ro thấp hơn.
• Đối với người tiêu dùng:
o có nhiều khuyến khích việc đa dạng hóa và phục vụ các phân đoạn thị trường
o đưa ra cho người tiêu dùng khả năng lựa chọn lớn nhất, sự tin tưởng và sự thuận tiện
o tiếp cận chất lượng đồng nhất của các sản phẩm và dịch vụ của hệ thống
o phương thức mua hàng hóa và dịch vụ có uy tín, thương hiệu đẳng cấp theo một cách dễ dàng và đáng tin cậy
• Đối với nền kinh tế:
o khuyến khích hoạt động của doanh nhân và hiệu quả của công việc kinh doanh quy mô nhỏ: chỉ với một khoản tiền tích lũy khiêm tốn, không cần bất kỳ kiến thức kinh doanh, không nhất thiết phải hiểu biết về kỹ thuật, một người hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư, chủ nhân của một cơ sở kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại.
• tính toán trong nghiên cứu về nhượng quyền thương mại tại Úc cho thấy đầu tư khởi sự doanh nghiệp theo mô hình nhượng quyền trung bình 120.000 đô la Úc
• tại Việt Nam, để đầu tư một cửa hàng nhượng quyền Phở 24, chủ đầu tư cần có khoản tài chính từ 50.000-60.000 đô la Mỹ. Với cà phê Trung Nguyên, chủ đầu tư phải trả phí nhượng quyền khi gia nhập hệ thống là hai mươi triệu đồng và đầu tư theo sự tư vấn và các quy định của bên chuyển nhượng. Đây là một khoản đầu tư không phải quá lớn đối với nhiều người Việt Nam.
• nhượng quyền kinh doanh, do vậy, đã huy động một lượng lớn đầu tư xã hội cả về tài chính và con người. Những nguồn tài chính rất cần cho sự phát triển của nền kinh tế nhưng các định chế tài chính hiện tại chưa thể tiếp cận được. Đặt biệt, đối tượng hưu trí của xã hội có thể trở thành một chủ đầu tư và đóng góp thiết thực cho quốc gia ngay khi đã nghỉ hưu.
o giảm thiểu tổn thất cho nền kinh tế: sự thất bại trong khởi sự doanh nghiệp là một thất thoát cho nền kinh tế vì đó chính là các khoản đầu tư không hiệu quả, góp phần gia tăng lực lượng lao động thất nghiệp do sự đóng cửa của doanh nghiệp, làm giảm ý chí đầu tư của chủ đầu tư, ảnh hưởng lây lan đến các nhà đầu tư khác
o nâng cao tính cạnh tranh: một nền kinh tế có những hệ thống nhượng quyền thương mại hiệu quả tạo ra sức cạnh tranh vì tính hiệu quả và quy mô của hệ thống
o chất lượng cao của sản phẩm/dịch vụ làm giảm rủi ro và tính không ổn định cho người tiêu dùng
o đào tạo các kỹ năng quản lý và dịch vụ cho các bên nhận quyền và nhân viên
o chuyển giao công nghệ và kỹ năng: kích thích phát triển trí tuệ của xã hội đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự bành trướng quyền sở hữu trí tuệ trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đây cũng chính là cơ sở tạo ra xã hội tri thức trong lĩnh vực kinh doanh
o thúc đẩy thương mại quốc tế: ưu điểm trong việc mô hình hoá và khả năng nhân bản nhanh và vượt qua những khó khăn về thông hiểu địa phương. Một hợp đồng nhượng quyền thương mại được ký kết để KFC hiện diện tại Việt Nam là nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc phát triển theo hình thức khác (mở văn phòng, chi nhánh, thành lập công ty v.v tại Việt Nam đối với KFC)
o tạo giá trị gia tăng cao cho hoạt động xuất khẩu: xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu. Ví dụ một tô phở 24 tại Jakarta có giá tương đương 2 đô la Mỹ, một ly cà phê Trung Nguyên tại Nhật có giá tương đương 3 đô la Mỹ.
o chuyển tải các giá trị văn hoá của một quốc gia ra thế giới và ngược lại: nói đến văn hoá Mỹ là nói đến Coca-cola, là nói đến bánh mỳ kẹp McDonald. Rất mong một tương lai không xa, nói đến Việt Nam là nói đến Phở 24, cà phê Trung Nguyên
"Xét về bản chất, có lẽ nhượng quyền thương mại là hình thức tổ chức kinh doanh duy nhất tạo ra các cơ sở kinh doanh mới tạo ra các nhà doanh nghiệp mới, việc làm mới, các dịch vụ mới, cũng như các cơ hội xuất khẩu mới".
(US Department of Commerce)

Trong các nền kinh tế đang phát triển, sự tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa sống còn trong việc cải thiện mức sống dân cư và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Để có tăng trưởng, đòi hỏi quốc gia phải đầu tư. Tỷ trọng đầu tư để đảm bảo tăng trưởng luôn phải ở mức cao trong cơ cấu GDP của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, sự hạn chế về tiềm lực kinh tế dẫn đến giá trị đầu tư cho dù đã ở mức cao vẫn còn rất nhỏ tính về giá trị tuyệt đối so với các nước phát triển. Do vậy, nguồn vốn đầu tư là bài toán luôn được ưu tiên nhưng không dễ trong giải quyết đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, sự thất thoát trong đầu tư sẽ làm chậm quá trình phát triển và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế trong tương lai khi đầu tư sử dụng nguồn vốn nước ngoài như ODA, vốn vay từ chính phủ hoặc từ thị trường tài chính. Cũng không là quá đề cao khi có những phát biểu đánh giá cao về phát minh hình thức nhượng quyền thương mại khi bài toán vốn và rủi ro đầu tư, nhược điểm bản chất của nền kinh tế đang phát triển, được giải quyết rất tốt trong mô hình này.

Comments

Popular posts from this blog

Định
 vị 
Việt 
Nam


Việt
 Nam
 ở
 đâu 
trong 
bản 
đồ 
thế 
giới?
 Câu 
hỏi
 trở 
nên 
nóng 
bỏng 
hơn
 bao 
giờ 
hết vì 
quá 
trình 
toàn 
cầu 
hoá 
diễn 
ra 
ngày 
càng 
mạnh 
mẽ 
và 
sâu 
rộng.
Chắc 
chắn,
“ở đâu”
 hoàn 
toàn
 không 
là 
vị 
trí 
địa 
lý 
mà 
là 
trong 
chuỗi 
giá 
trị 
toàn 
cầu,
trong 
tâm
 trí
 người 
tiêu 
dùng 
thế 
giới. 
 Không 
hẹn 
mà 
gặp,
 Philip 
Kotler,
một 
chuyên 
gia 
tiếp
 thị
 tầm
 cỡ
 thế 
giới,
 và 
như 
mới 
đây 
với 
Michael 
Porter,
 chiến 
lược 
gia 
hàng 
đầu 
thế
 giới, cùng đặt ra câu hỏi này cho Việt Nam. Ai cũng biết một quốc gia cần xác định cho mình một chỗ đứng độc đáo trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Toàn cầu hoá, một thuật ngữ không còn xa lạ ngay cả với người nông dân Việt Nam. “Bếp ăn thế giới” ý của Philip Kotler, hay “nông nghiệp – thuỷ sản” từ Michael Porter chỉ là hai gợi ý có tính tham khảo (vì thực sự các chuyên gia bậc thầy này chưa nhận được một đơn hàng chính thức cho việc xây dựng định vị Việt Nam). Tuy nhiên, mộ

Thị trường bia, thời của tay chơi

Tay chơi nào trụ hạng? Trong cái nắng Sài Gòn tháng Tư oi người, các băng rôn quảng cáo “Zorok, hai loại lúa mạch, một vị bia” góp phần làm nóng thêm áp lực cạnh tranh trong thị trường bia tại Việt Nam. Với một thị trường có sức tăng trưởng 2 con số và sức tiêu thụ bia đầu người năm chỉ mới 18 lít/người (2006) còn ở mức thấp so với trung bình của thế giới quả có sức hấp dẫn mạnh mẽ cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo quy hoạch tổng thể ngành bia - rượu - nước giải khát của Bộ Công nghiệp được phê duyệt tại Quyết định 18/2007/QĐ-BCN, ngày 08/5/2007, sản lượng bia của Việt Nam năm 2005 là 1,53 tỷ lít và sẽ gia tăng lên đến 3,5 tỷ lít vào năm 2010, mức đầu tư tương ứng trong giai đoạn từ 2005 đến 2010 là 31,809 tỷ đồng. Xem thêm đồ thị về quy hoạch ngành bia Việt Nam đến năm 2010 của Bộ công nghiệp . Trước hết, xin được điểm qua một vài gương mặt điển hình làm nên bức tranh ngành bia Việt Nam. Lâu đời và danh tiếng phải kể đến Sabeco, tổng công ty bia – rượu – nước

Tình huống trà xanh Không độ và C2

Trà xanh đóng chai (Ready-to-drink) trở thành một chủ đề được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây. Quan sát các sự kiện liên quan đến loại sản phẩm này, chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hoạt động truyền thông thương hiệu. Bài viết được phân tích dưới góc độ hơi thiên về chiến lược marketing thông qua quan sát và khảo cứu của tác giả từ các thông tin thu thập từ nhiều nguồn và các điều tra trực tiếp với người tiêu dùng với quy mô nhỏ để phục vụ cho luận điểm của bài viết. Bài viết, do vậy, nên được nhìn nhận dưới góc độ quan điểm của người hành nghề marketing và mong muốn được chia xẻ các ý kiến của bạn đọc về vấn đề này. Trà xanh là một thứ thức uống phổ biến trên thế giới từ hàng ngàn năm nay, đặc biệt là khu vực châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Tại một số quốc gia, uống trà còn được nâng lên thành nghệ thuật và với những nghi thức đặc biệt, phức tạp. Cuộc sống hiện đại thúc đẩy ngành công nghiệp nước uống tiện dụng phát triển mạnh