Một đặc điểm then chốt của nền kinh tế thị trường là bất kỳ công đoạn nào của quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng cũng sẽ luôn tồn tại khi nào nó còn tạo được giá trị gia tăng cho xã hội mà chính xác hơn là cho khách hàng
Những tin tức tích cực từ phiên đàm phán đa phương thứ 12 của Việt Nam về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva càng làm nóng hơn dư luận trong nước. Tâm điểm nóng được cho là nằm ở lĩnh vực thương mại bán lẻ và nông nghiệp. Những cảnh báo kiểu như “chết trên sân nhà”, “sự xâm lăng của thương hiệu ngoại”... xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trong các diễn đàn. Liệu có cái chết nào không trong việc gia nhập vào sân chơi WTO của nền kinh tế Việt Nam?
Câu trả lời, theo tôi, là “không”. Không có cái chết mà chỉ có sự hồi sinh, một sự hồi sinh mạnh mẽ. Tôi dùng chữ “hồi sinh” vì cái được gọi là “chết” thực ra đã chết từ lâu rồi nhưng chưa chôn mà thôi.
Có ai trong số chúng ta nghĩ rằng mình được đối xử như thượng đế khi phải chen lấn để mua hàng, phải đi xa, phải trả giá cao, phải chấp nhận “mua rồi miễn trả lại”, hay “không còn chịu trách nhiệm khi rời khỏi quầy”, phải nghe giọng nói gắt gỏng, cảnh chầu chực để thanh toán tiền sau khi mua hàng... Còn vô vàn điều làm phiền lòng “thượng đế” vẫn đang tồn tại mà theo lý đã phải “chết” để doanh nghiệp có khả năng cung ứng tốt hơn. Tại sao lại không ủng hộ việc người tiêu dùng có được những trung tâm khang trang hơn để mua sắm, có thể mua hàng với giá rẻ hơn, bảo hành lâu hơn, sẵn sàng nhận hàng trả lại mà không cần lý do, hàng hóa được bày biện khoa học hơn, thanh toán cũng thuận tiện hơn... Những đòi hỏi trên là điều không tưởng chăng? Chắc là không trong nền kinh tế thị trường vì đã có nơi người tiêu dùng còn được hưởng nhiều hơn thế.
Sẽ có sự phá sản hàng loạt các nhà sản xuất, người thất nghiệp tràn lan vì nhà xưởng đóng cửa chăng? Có và chắc chắn không ít. Tuy nhiên, về mặt bản chất thì nền kinh tế đang vận hành đúng quy luật mà nó phải theo. Những doanh nghiệp “rời bỏ ngành” (tôi dùng từ này thay cho phá sản) sẽ trả lại nguồn lực kinh tế đã được sử dụng không hiệu quả cho những doanh nghiệp biết khai thác hiệu quả hơn. Và đôi khi, chính doanh nghiệp rời bỏ ngành này lại bước sang một ngành nghề khác vì có thể sử dụng nguồn lực tốt hơn trong ngành nghề mới.
Những cảnh báo nói trên cho rằng, ai kiểm soát được mạng lưới phân phối (đôi khi được ví như yết hầu của quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng), người đó có thể áp đặt, thậm chí “giết chết” nhà sản xuất. Điều này chỉ đúng khi các nhà kinh doanh phân phối không hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Sự cạnh tranh, cơ chế tiếp cận nguồn lực bình đẳng buộc các nhà kinh doanh phân phối kém hiệu quả sẽ phải trả giá. Mà thước đo hiệu quả lại chính là sự hưởng lợi của “thượng đế”. Hưởng lợi không chỉ từ những yếu tố thuần túy về giá cả, chất lượng, phục vụ... mà còn từ cả yếu tố tinh thần. Đã có những tiểu bang của nước Mỹ, chính quyền địa phương dưới áp lực của dân chúng đã không cho phép Wal-Mart mở siêu thị vì cho rằng doanh nghiệp này đã chèn ép người lao động để có thể bán hàng hóa với giá rẻ.
Cũng tương tự như vậy đối với người lao động. “Thất nghiệp” cũng chỉ là một sự dịch chuyển chủ thể sử dụng nguồn lực của nền kinh tế. Nguồn lực ở đây là sức lao động. Và do vậy, người lao động sẽ phải liên tục trau dồi nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển đổi ngành nghề để có thể lại có một công việc mới, với một năng suất lao động cao hơn cho xã hội.
Với ngành nông nghiệp, có lẽ bức tranh cũng không khác. Năng suất lao động của chúng ta còn thấp. Bên cạnh những nông dân biết tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nắm bắt thông tin thị trường thì cũng còn đó những nông dân nắm giữ tư liệu sản xuất nhưng hiệu quả sử dụng lại không cao. Do vậy, việc dịch chuyển chủ thể sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp cũng sẽ là một quá trình không thể ngăn cản. Chính những chính sách cản trở quá trình tối ưu hóa sử dụng nguồn lực nông nghiệp càng đẩy người dân vào thế chống đỡ vất vả hơn vì không được chuẩn bị cho một sân chơi cạnh tranh.
Và cuối cùng, một đặc điểm then chốt của nền kinh tế thị trường là bất kỳ công đoạn nào của quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng cũng sẽ luôn tồn tại khi nào nó còn tạo được giá trị gia tăng cho xã hội mà chính xác hơn là cho khách hàng. Trong các trung tâm thương mại của Mỹ vẫn có hàng loạt các thương hiệu bán lẻ đang phải treo bảng “bán thanh lý” (clearance) để đóng cửa. Trong số đó có không ít những thương hiệu cả trăm năm tuổi, đã từng là niềm tự hào của ngành bán lẻ của Mỹ như Sears, Radio Shack... Và tại thị trường Hàn Quốc, tập đoàn bán lẻ số một thế giới Wal-Mart cũng phải treo bảng “clearance” để rút lui khỏi thị trường nước này. Bán lẻ là bán lẻ, sản xuất là sản xuất, môi giới thương mại là môi giới thương mại... mỗi loại hình đóng góp một giá trị gia tăng nhất định trong chuỗi giá trị. Lợi nhuận, mức độ cạnh tranh thường không giống nhau giữa các công đoạn của chuỗi giá trị này. Đồng thời, mức độ phân bổ chuỗi giá trị này được xem xét ở quy mô toàn cầu.
Để kết luận, xin dùng một hình ảnh ví von. Doanh nghiệp Việt Nam như những chàng trai làng, trước giờ không thèm chăm sóc các cô gái làng vì biết chắc rằng mình có thể dễ dàng đi đến hôn nhân với các cô gái làng vì đây là “sân nhà”, lại được hậu thuẫn bởi lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên không có đối thủ cạnh tranh. Làn sóng WTO cũng giống như việc gỡ bỏ lệnh cấm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Gái làng ngày nay đã có thể lựa chọn cho mình những chàng trai giỏi giang hơn, học thức hơn, chiều chuộng phụ nữ hơn... và việc một số trai làng không thể lấy được vợ vì chẳng có bất kỳ thay đổi nào tốt hơn lên trong cuộc chạy đua này âu cũng là điều dễ hiểu.
Sài Gòn, July 25, 2006
Đoàn Đình Hoàng
BrandAscend consulting
(Bài đăng trên TBKTSG số 31-2006, ngày 27/07/2006)
Chúc mừng anh Hoàng đã gia nhập một sân chơi mới - blog. Mong được đọc nhiều bài viết thật hay về thương hiệu của anh nhé :-)
ReplyDeleteP.Le
Thank you. Hoping you give a hand to share your experience to enrich life.
ReplyDelete