Mặt dù, từ ý tưởng liên kết đi đến hiện thực vẫn còn một giai đoạn khá dài nhưng cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những tính toán chiến lược để có thể sẵn sàng cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới
“Thương hiệu sống sót trong thế giới của Wal-Mart” (Brand-Name Survivor in Wal-Mart World) là tựa một bài viết của tác giả Jim Lubak Trên báo The Street ra ngày 23.2.2005 rất đáng cho chúng ta suy ngẫm. Trong nền kinh tế hội nhập, thực sự sản xuất hay phân phối đóng vai trò quyết định trong quá trình tồn tại của một thương hiệu? Rõ ràng đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Bài viết trên đề cập đến việc sát nhập giữa P&G và Gillette. Xin có vài dòng tóm tắt về hai thương hiệu này. P&G là tập đoàn hóa mỹ phẩm lớn nhất Hoa Kỳ hiện tại cả về doanh số và thị phần. P&G sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng mà chúng ta chắc cũng đã từng biết đến như Tide, Pampers, Downy, Crest, Ariel, Pantene, Oley, Head & Shoulders, v.v với trên 110.000 lao động và có văn phòng khắp 80 quốc gia trên thế giới. Gillette cũng không hề kém cạnh với trên 100 năm gầy dựng thương hiệu. Sở hữu các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực mỹ phẩm dành cho nam như Oral B. Braun, Duracel, Gillette, … khoảng 30000 lao động tại 14 quốc gia đả mang lại cho Gillette một doanh thu trên 10 tỷ đố la (năm 2004). Tổ hợp P&G Gillette sau sáp nhập trở thành tập đoàn hoá mỹ phẩm hàng đầu thế giới cả về quy mô doanh số và thị phần. Giờ đây, tập đoàn này đang sở hữu 21 thương hiệu có doanh số trên 1 tỷ đô la mỗi thương hiệu. Một sự kết hợp hoàn hảo, ít ra là theo công bố từ chính P&G và Gillette, về sức mạnh thương hiệu, thị trường, khách hàng mục tiêu, nhân lực, nghiên cứu đối mới, tiết kiệm chi phí, …Còn quá sớm để nhận định về cuộc hôn phối này. Nhưng ít nhất, sự bổ khuyết những điểm mạnh, điểm yếu của nhau đã làm nên một sức mạnh trong mạng lưới phân phối, một đối trọng đủ lớn với bất kỳ nhà phân phối nào.
Mới đây, theo tin đưa ra bởi TBKTSG về ý định liên kết giữa Saigon Co-op, một thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam với Satra, một nhà bán lẻ và cung cấp hàng hóa lớn với những thương hiệu tên tuổi như Vissan, Cofidec, Cầu Tre, Thương xá Tax, siêu thị Sài Gòn quả có làm chúng ta bất ngờ. Mặt dù, từ ý tưởng liên kết đi đến hiện thực vẫn còn một giai đoạn khá dài nhưng cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những tính toán chiến lược để có thể sẵn sàng cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Ý tưởng này được công bố không lâu trước sự kiện nóng hổi trong ngành bán lẻ của Việt Nam khi tập đoàn siêu thị hàng đầu Mã Lai là Parkson được Bộ thương mại cấp giấy phép mở siêu thị tại Việt Nam với số vốn đầu tư 15 triệu đô la sẽ khai trương trong năm nay. Với hơn 80 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7%, cùng với đà mở cửa kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ còn là điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Rõ ràng, một quyết định mang tính tiên phong như Saigon Co-op với Satra, Kinh Đô với Pepsi là một trong những giải pháp mang tính chiến lược cho các thương hiệu Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập.
Tuy nhiên, những cuộc hôn phối kiểu này đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn quá ít và chưa thể hiện được vai trò quan trọng của giải pháp này. Một số nguyên nhân chủ yếu xin được nêu ra đây theo ý kiến chủ quan của người viết:
- Tập quán liên kết của người Việt thường yếu: nếu thử nhìn qua các doanh nhân người Hoa, vai trò đoàn hội, tổ chức ngành nghề của người Việt thường không xuất phát một cách tự nhiên với ý nghĩa liên kết để cùng hưởng lợi ích và chia xẻ khó khăn;
- Thông tin của các doanh nghiệp thường thiếu và có độ tin cậy thấp: sẽ là một trở ngại cho việc liên kết, đặt biệt là liên kết ngang đối với các thương hiệu cùng ngành;
- Quy định về mặt pháp lý cho các hoạt động liên kết chiến lược, sáp nhập hầu như chưa đề cập đến trong văn bản pháp luật hiện tại;
- Thị trường chứng khoán chưa phát triển cũng là một rào cản cho việc liên kết vì vấn đề định giá thương hiệu, cách thức sở hữu, mua bán thương hiệu sẽ trở nên khó khăn và tốn thời gian;
Mặc dầu có nhiều trở ngại cho những kiên kết chiến lược nhằm nâng cao sức mạnh thương hiệu nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều thương hiệu Việt Nam quan tâm và lựa chọn giải pháp này. Liên kết chiến lược còn đặc biệt quan trọng trong trường hợp các thương hiệu Việt Nam muốn thâm nhập thị trường quốc tế. Bài học của Haier và gần đây là vụ mua lại thương hiệu dòng máy tính cá nhân IBM của thương hiệu Lenovo là một minh chứng cho chiến lược này. Hy vọng sẽ có những nghiên cứu toàn diện hơn từ các đơn vị nghiên cứu, các bộ ngành, các chuyên gia để tạo điều kiện cho những thay đổi trong chính sách, luật pháp, những tác động xã hội giúp thương hiệu Việt ngày càng phát triển và vững mạnh trong nền kinh tế toàn cầu.
Sài Gòn, March 15, 2005
Đoàn Đình Hoàng
BrandAscend consulting
Comments
Post a Comment