Luật doanh nghiệp thống nhất có một tham vọng rất đáng khích lệ nhưng tính liên thông với các đạo luật khác chưa thể hiện rõ
Trước hết, cho phép tôi xác định phạm vi góp ý của mình xuất từ quan điểm cá nhân về những vấn đề chung nhất. Với sự hiểu biết nông cạn về luật pháp xin được phép không đưa ra bất kỳ ý kiến nào có tính câu chữ, ngôn từ vì chắc chắn các chuyên gia về luật pháp sẽ là lực lượng tốt nhất làm việc này.
1. Phải xác định cho thật rõ mục tiêu của Luật doanh nghiệp thông nhất là gì?
a. Chỉ khi được hiểu đầy đủ về tinh thần cốt lõi của Luật thì mới có thể có những góp ý đúng hướng.
b. Theo hiểu biết của cá nhân, trong lời mở đầu, mục tiêu luật doanh nghiệp thống nhất bao gồm:
i. huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
ii. bảo đảm quyền tự do bình đẳng trước pháp luật trong kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;
iii. bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;
iv. thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh
c. Với hệ thống mục tiêu như vậy, tôi cho rằng dự luật sẽ không thành công vì các lý do sau đây:
i. nguồn lực xã hội bao gồm tiền vốn và lao động là điều hiển nhiên có thể thấy nhưng cách thể hiện rất đa dạng và cách thức của luật doanh nghiệp huy động sức mạnh kinh tế của quốc gia đáng để quan tâm phải thông qua các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, thị trường chứng khoán. Nhưng sự bất cập trong thị trường này sẽ làm triệt tiêu sức mạnh của Luật doanh nghiệp. Ví dụ: các ngân hàng vẫn coi doanh nghiệp Nhà nước là đối tượng gần như là duy nhất được tiếp cận vốn vì tính an toàn thì nói một cách hình tượng, phần chìm của tảng băng vẫn chưa được đụng đến. Những nỗ lực của Luật doanh nghiệp vẫn chỉ là những công cụ mang tính hình thức so với mục tiêu huy động, phân bổ nguồn lực đặt ra;
ii. sự bình đẳng trước pháp luật, nói cho cùng dù được xem là công cụ quản lý của Nhà nước thì cũng chỉ nên dừng lại ở giai đoạn ban hành pháp luật. Một khi luật đã được ban hành thì các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân nhân danh Nhà nước để quản lý vẫn phải tuân thủ thì Luật pháp mới thực sự có tính khả thi. “Chính do thiếu tinh thần luật pháp mà người viên chức mới có thể “giam” hay “không giam” một hồ sơ cần chữ ký, con dấu, để nhũng lạm ít hay nhiều, … Thiếu tinh thần luật pháp không chỉ trong việc “ác”, việc sai trái, mà cả trong khi nhân danh luật pháp. Ngành thuế tuần trước truy thu thuế thu nhập của ca sĩ trong năm năm, theo tinh thần của luật thuế, rồi bỏ truy thu bốn năm trước chỉ thu thuế trong năm 2004 gọi là để động viên ca sĩ đóng thuế, rồi cuối cùng truy thu tiếp. Đó là cả một quá trình mấy lần không coi luật pháp ra gì .” Đoạn trích trên chỉ để thấy rằng, dự thảo luật thống nhất mà chúng ta đang hoàn thiện đây vẫn chưa động được vào phần cốt lõi đáng ra phải có. Xin tham khảo thêm chương 9 của dự thảo, khen thưởng và xử lý vi phạm, quý vị sẽ rõ hơn;
iii. mục tiêu huy động nguồn lực, phát triển kinh tế có thật sự là mục tiêu tối thượng không khi vẫn chưa xuất hiện những vấn đề về luật định trong giải thích luật. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, sự vận động của nền kinh tế thị trường là nhanh chóng và đa dạng, chắc chắn sẽ có sự bất cập giữa luật với cuộc sống, khi đó hướng giải thích luật được tôn trọng là về phía doanh nghiệp, về mục tiêu của dự án luật hay dành phần dễ, phần lợi ích về cơ quan, cá nhân đại diện cơ quan quản lý nhà nước;
iv. những công cụ quản lý đảm bảo sự vận hành của hệ thống còn vắng bóng trong cách soạn thảo luật. Có thể nêu ra đây những ví du như: chúng ta cần có nhiều loại mẫu phiếu dạng tài liệu ISO được quy định hẳn trong luật để triệt tiêu sự những nhiễu, tính vô trách nhiệm của người thừa hành. Ngay khi tiếp một người dân có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, phải có bằng chứng được lưu lại rằng nội dung nó là gì, đã hướng dẫn những gì, đã nhận hồ sơ giấy tờ gì, khi nào hoàn tất, đường đi của hồ sơ ra sao? Nhà doanh nghiệp nếu sợ chi phí cao một thì sợ rủi ro mười. Một hành vi chậm trễ, không tuân thủ quy định luật pháp không được chế tài sẽ đưa đến hai phản ứng từ doanh nghiệp: (1) chấp nhận tiêu cực để kiểm soát được hoạt động kinh doanh, (2) phải trừ hao để khỏi bị vỡ kế hoạch. Bất kỳ phản ứng nào trên đây cũng làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sụt giảm, nguồn lực dành để “đối phó” vắt kiệt sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Những quy định dạng sau thời gian hạn định, nếu chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan quản lý Nhà nước thì mặc nhiên yêu cầu đó được chấp nhận, doanh nghiệp chỉ cần gửi yêu cầu của mình và mặc nhiên điều đó được chấp nhập sau một thời hạn nào đó, sau một số điều kiện nào đó đã được công bố cụ thể. Hay như sự liên thông trong hệ thống quản lý là điều vẫn còn thiếu trong dự thảo luật, một giấy phép được cấp vẫn còn phát sinh các thủ tục đăng ký mã số thuế, xin con dấu, v.v
2. Quy trình soạn thảo luật:
a. đánh giá cao quy trình hiện tại khi trong quá trình dự thảo có tham khảo ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu sự tác động của luật. Tuy nhiên, dường như đối tượng chịu sự tác động của luật chỉ xuất phát từ 1 phía: Doanh nghiệp – Đối tượng chịu sự quản lý
b. đối tượng quản lý: các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và cá nhân các cán bộ công chức nhân danh, đại diện cho nhà nước trong quá trình quản lý được đề cập như thế nào? Các đối tượng này có được tham khảo ý kiến để đảm bảo khi ban hành Luật nhanh chóng đi vào thực thi thay vì phải chờ đợi văn bản dưới luật
3. Thống nhất:
a. được hiểu là từ hai hay nhiều luật hợp nhất lại thành một?
b. hay không phân biệt đối xử?
c. hay cả hai?
d. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng tính thống nhất vẫn chưa toàn vẹn khi DNNN vẫn chưa biết xếp vào đâu trong các loại hình kinh doanh được quy định theo luật.
4. Bình đẳng
a. hai giá, hai quy trình, v.v rõ ràng là không bình đẳng
b. tuy nhiên, nếu bình đẳng này không được nhìn một cách toàn diện thì trường hợp 2 doanh nghiệp cùng ngành, cùng trình độ khác nhau về tiềm lực cá lớn nuốt cá bé có diễn ra không?
c. các luật khác, mà cụ thể nhất là luật cạnh tranh, luật phá sản, luật tài chính tín dụng, luật hành chính có đi song hành cùng với Luật doanh nghiệp thống nhất không để thực sự có tính bình đẳng
5. Tóm lại,
a. Luật doanh nghiệp thống nhất có một tham vọng rất đáng khích lệ nhưng tính liên thông với các đạo luật khác chưa thể hiện rõ;
b. Tính tiên phong trong việc thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế có xuất hiện nhưng cũng chưa thực sự quyết liệt. Với sự quan tâm của chính Thủ tướng chính phủ về vấn đề này, Ban soạn thảo có đủ can đảm làm một cuộc dấn thân nhằm mang lại một bước đột phá cho cộng đồng doanh nhân nói riêng và cả xã hội nói chung?
c. Cuối cùng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng chỉ bằng một đạo luật, những mục tiêu tốt đẹp trên đây sẽ được thực hiện là điều không tưởng. Chúng ta rất trân trọng nỗ lực của ban soạn thảo và hy vọng ban soạn thảo có những đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho công cuộc đối mới.
Sài Gòn, 11.4.2005
Đoàn Đình Hoàng
Brandascend Consulting
Comments
Post a Comment