Một vấn đề có lẽ đã trở nên nhàm chán nhưng vẫn chưa cũ đó là “chuỗi bán lẻ”. Xin được lạm bàn thêm vài góc cạnh của vấn đề mà báo chí, truyền thanh, truyền hình đang đề cập đến.
Lịch sử loài người đã trải qua giai đoạn săn bắn, hái lượm những sản vật tự nhiên để sinh tồn. Và dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng có thể có cái ăn cái mặc để sinh tồn nên con người biết chủ động sản xuất để cung cấp nhu cầu cho nhu cầu của mình. Trong xã hội, lại không phải mọi nhà, mọi nhóm người đều sản xuất đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho mình, và do vậy nhu cầu trao đổi qua lại phát sinh. Từ hình thức trao đổi hàng đổi hàng thưở sơ khai, con người đã tiến đến dùng tiền làm công cụ trao đổi. Vậy thì, bán – mua được hình thành khi nhu cầu trao đổi hàng hoá xuất hiện. Sự phức tạp của hoạt động trao đổi cũng gia tăng dần theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, người sản xuất tự mình tạo ra hàng hoá và tự mình mang đi trao đổi với người có nhu cầu. Nhưng cũng vì tính hiệu quả, nào là muốn mang hàng đi bán thì phải biết nơi nào có người mua, phải biết làm vừa lòng người mua để bán hàng, đôi khi phải cho người mua thiếu nợ, v.v, mà nhà sản xuất tự mình rút lui khỏi hoạt động bán hàng để giao cho những người có năng lực tốt hơn thực hiện việc bán hàng. Vậy là nền kinh tế bắt đầu hình thành từng công đoạn có tính chuyên môn rất cao từ công đoạn nảy sinh ra ý tưởng cần tạo ra món hàng gì, đến thu mua nguyên vật liệu, đến thuê mướn nhân công và cứ thế kéo dài mãi chỉ với một mục tiêu duy nhất đó là phục vụ nhu cầu con người tốt nhất. Mức độ dài ngắn của công đoạn, độ phân tán của công đoạn ở phạm vi doanh nghiệp hay phạm vi quốc gia, phạm vi khu vực hay phạm vi toàn cầu là tùy thuộc vào đặc thù của ngành nghề, vào chính sách của công ty, vào đặc thù kinh tế mỗi doanh nghiệp, mỗi nước, mỗi khu vực. Với những nét phát thảo rất mộc mạc trên, có hai vấn đề cần phải thảo luận sâu hơn. Đó là
• Có những tình huống cụ thể nào đó, một công đoạn nào đó của chu trình bóp chết một công đoạn khác hay không?
• Và liệu trong cùng một công đoạn, có hay không do có một hình thức mới xuất hiện nên đã bóp chết hình thức cũ hay không?
Trong cả hai vấn đề đặt ra trên, câu trả lời là có cho cả hai. Vậy thì, chắc chắn sẽ có nhà sản xuất (công đoạn sản xuất) sẽ bị siết cổ bởi nhà bán lẻ (công đoạn phân phối). Có thể điều đó chưa xảy ra nhưng theo logic thì có thể tiên đoán được. Nhưng đều trớ trêu thay, hiện tượng ngược lại cũng hoàn toàn có thể và đã từng xảy ra. Đó là trường hợp của IKEA, một tập đoàn chế biến, kinh doanh đồ nội thất Thụy Điển đã tự mình lo luôn cả từ khâu thiết kế, sản xuất đến mở siêu thị kinh doanh, chăm sóc khách hàng sau khi bán. Và khi IKEA đến quốc gia nào thì các nhà kinh doanh cùng ngành đều bị một áp lực cạnh tranh nghẹt thở, đôi khi phải đóng cửa, phải rời bỏ ngành. Đây chính là quy luật tối thượng của nền kinh tế thị trường “hiệu quả hay là chết?”.
Vậy thì liệu chị Ba, dì Năm đang buôn bán những cửa hiệu nhỏ lẻ hiện nay phải thất nghiệp vì không đủ sức cạnh tranh chăng? Thị trường là nơi tập hợp đông đảo những nhu cầu mua hàng và bán hàng. Có thêm một loại hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi vì không phải trả giá, vì hàng hoá được trưng bày đẹp, vì nằm vị trí thuận lợi trên đường, âu cũng là chuyện bình thường vì nơi nào có nhu cầu, ắt hẳn sẽ có nhà cung cấp. Nhưng cũng chắc vẫn tồn tại những nhu cầu ghé sang tiệm dì Năm để không chỉ mua hàng mà còn nói dăm ba câu về tập phim ướt át xứ Kim chi. Hay đôi khi vội quá, xe chạy ngang tiệm chạp phô dì Năm chỉ giảm ga để kịp nói dì giao cho con 2 lít dầu nành liền nghen rồi đi. Đó là chưa kể dì Năm cũng lên đời, cho mắc điện thoại (thủ tục cũng đã dễ dàng khi hết ông độc quyền). Thôi thì lũ trẻ tụi bây bận rộn quá, cứ gọi điện thoại nói dì giao hàng là được rồi. Nếu nhìn vấn đề trong dòng chảy của xã hội, thì hẳn sẽ không có gì là quá to tát để phải “tồn tại hay không tồn tại”. Chắc hẳn với những trung tâm mua sắm khang trang, với máy điều hoà mát lạnh, với những cô bán hàng sinh như mộng, được phục vụ nhiệt tình cũng sẽ có những tác động nhất định lên loại hình bán lẻ truyền thống hiện hữu. Nhưng có lẽ cũng phải hàng vài chục năm nữa, thì chợ vẫn là nơi có người chọn đến chỉ vì muốn được hưởng cái không khí ồn ào, mua mua bán bán chỉ riêng có ở chợ mà thôi. Ngay cả những nước có hệ thống thương mại hiện đại như Anh, Úc, Pháp, vẫn còn những đó những khu chợ trời với đông đảo người mua kẻ bán.
Nói cho cùng, thêm một công đoạn nữa trong quy trình hay có một hình thức mới của một công đoạn nào đó trong quy trình từ ý tưởng đến phục vụ nhu cầu con người chỉ giúp cho đời sống thêm phong phú lên, có thêm lựa chọn hơn, tiện nghi hơn. Và đến khi nào, đời sống xã hội không còn chấp nhận nữa thì công đoạn đó, hay loại hình đó sẽ dần đi đến diệt vong. Một Amazon, hệ thống bán lẻ trên mạng, từng một thời lẫy lừng những tưởng sẽ là sự diệt vong của Banner & Noble, hệ thống nhà sách lớn nhất nước Mỹ. Nhưng cho đến nay, Banner & Noble vẫn còn hiện diện khắp nơi trên nước Mỹ vì vẫn còn những người muốn được rờ, được có những cảm xúc của việc lang thang trong nhà sách. Tuy nhiên, “cú tát’ của Amazon cũng làm cho Banner & Noble có những biến chuyển mạnh mẽ trong việc đấu tranh và tồn tại. Như vậy, bên hưởng lợi lại cũng là người tiêu dùng.
Cũng không thể không xét đến khía cạnh “bóc lột” của nhà tư bản. Sẽ còn gì để “bóc lột” nếu một nền kinh tế đi vào con đường kém phát triển, rối loạn, tan rã. Nếu như chị Ba, dì Năm và còn nhiều nữa những người buôn bán nhỏ, tiểu thương tiểu chủ đều bị đóng cửa, bị thất nghiệp thì những đầu tư của nhà tư bản sẽ thu lợi được gì? Dì Năm sau 3 năm tranh đấu với đại gia Wal-mart đã đến tuổi nghỉ hưu. Thôi thì nghỉ ở nhà chơi với cháu. Với chút tiền để dành từ hơn 20 năm tần tảo, cộng phần phụ thêm của con cháu, sống đời thảnh thơi. Chị Ba cũng thấy rất khó khăn khi ngày càng ít người tìm đến quầy của chị thay vì cái cửa hàng tiện lợi Ax khang trang kế bên. Nhưng chị còn trẻ nên cũng chưa thể nghỉ ngơi, vì đâu đủ tiền để dành và ở nhà cũng buồn. Với kinh nghiệm hơn mười năm bán sạp, thành thạo mặt hàng, chào hàng có duyên, chị được chính cửa hàng tiện lợi Ax tuyển vào làm nhân viên bán hàng. Vậy thôi, chị Ba vẫn là chị Ba. Dì Năm vẫn là dì Năm. Tuy có những thay đổi trong công việc. Tuy có những điều chỉnh nhất định về mức sống, về thu nhập, về nhiều thứ liên quan nhưng dì Năm lại trở thành khách hàng của Wal-mart vào mỗi cuối tuần hay khách hàng của cửa hàng tiện lợi Ax khi muốn mua gói mì tôm lúc xem cải lương.
Cuộc sống là vậy, kinh tế và xã hội luôn đang xen, hoà quyện vào nhau. Nếu tách kinh tế ra khỏi xã hội sẽ không còn kinh tế nữa. Và ngược lại cũng thế. Sự đa dạng, tính phức hợp của vấn đề tạo nên sức sống cho xã hội, cho sự phát triển của loài người.
Sài Gòn, Aug 9th 2006
Tạp bút
Đoàn Đình Hoàng
(Bài đăng trên Tạp chí Marketing – Số 27-2006, Tháng 8/2006)
Comments
Post a Comment