LTS: Sau khi đọc bài Kinh tế mềm vẫn là lựa chọn ưu tiên đăng trên TBKTSG số ra ngày 23-3, ông ĐOÀN ĐÌNH HOÀNG, Giám đốc Công ty Masso Consulting, có bài viết sau gửi đến tòa soạn. Nhân đây, chúng tôi mong nhận được ý kiến của độc giả chung quanh vấn đề lựa chọn chiến lược phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Mỗi khi bàn về chiến lược phát triển của Việt Nam, chúng ta luôn gặp các cụm từ "đi tắt đón đầu", "bỏ qua giai đoạn", "kinh tế tri thức", "kinh tế mềm", "sức mạnh thời đại"...Và phần lớn các đề nghị là nên nhanh chóng tiếp cận những kiến thức tinh hoa nhất của nhân loại để tạo ra một nền kinh tế Việt Nam vào loại hàng đầu thế giới. Những lập luận đưa ra cho lựa chọn này dường như rất thuyết phục vì nào là dân tộc Việt Nam thông minh, lao động cần cù, có lực lượng chất xám hùng hậu từ kiều bào, nào là bài học từ những quốc gia mới hôm qua vẫn còn lạc hậu... đã và đang đạt được những thành tựu to lớn. Nhìn chung, các quyết định chiến lược về kinh tế của Việt Nam tiếp cận theo ba xu hướng: thâm dụng chất xám (công nghiệp phần mềm, thị trường tài chính, dịch vụ...), thâm dụng lao động (dệt may), cả thâm dụng vốn và thâm dụng lao động (công nghiệp điện tử, ô tô, đóng tàu...) với những tham vọng rất lớn. Sẽ đạt 500 triệu đô la Mỹ xuất khẩu phần mềm vào năm 2005, thành cường quốc về đóng tàu với 6-7% thị phần thế giới vào năm 2010, sản xuất được ô tô vào năm 2005... và còn vô số các chỉ tiêu được đưa ra cho các định hướng vĩ mô của nền kinh tế. Nhưng thực tế thì hầu như chẳng bao giờ đạt được.
Những vấn đề căn bản nhất trong lựa chọn chiến lược của một quốc gia hầu như không được tính đến một cách đầy đủ. Hoặc nếu có tính đến cũng rất phiến diện và không nằm trong mối tương quan động về xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh, điều kiện cụ thể của một quốc gia. Cụ thể là:
(1) không tính đến mối liên hệ hữu cơ với các ngành khác, như trường hợp của ô tô không quan tâm đến ngành công nghiệp phụ trợ;
(2) không tính đến mối tương quan động với các quốc gia khác, như trường hợp công nghiệp đóng tàu;
(3) không tính đến hạ tầng kinh tế, giáo dục, xã hội của Việt Nam như trường hợp của công nghiệp phần mềm;
(4) không tính đến hậu quả lâu dài như trường hợp dệt may với hàng triệu lao động từ nông thôn đổ về thành thị gây ra sự quá tải về hạ tầng và những gánh nặng về chăm sóc sức khỏe, về xã hội;
(5) những luận cứ đưa ra dường như mang tính cảm tính nhiều hơn là có cơ sở khoa học, chẳng hạn người Việt Nam thông minh, cần cù (như thế nào? so với ai trên thế giới?);
(6) nhất là không tính đến 60 triệu người hiện nay đang sinh sống ở khu vực nông thôn, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Liệu một quốc gia có thể thịnh vượng không khi chỉ huy động được 25-30% nguồn lực cho phát triển?
Do vậy, xin được đặt lại vấn đề về lựa chọn chiến lược, "mềm hay cứng" và như thế nào? Một bằng chứng hiển nhiên không thể chối cãi là khu vực mà ta xem nhẹ nhất trong lựa chọn chiến lược lại có vị thế mà các lựa chọn chiến lược khác có mơ cũng không có được. Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng nhất thế giới, đứng nhì thế giới về xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà phê, đã từng chiếm lĩnh thị trường thế giới về thanh long xuất khẩu, có thứ hạng cao trong xuất khẩu cá ba sa, tôm... Kết quả hiển nhiên này cho thấy thực tế thế mạnh Việt Nam nằm ở lĩnh vực nông nghiệp. Nếu không vì chúng ta giàu tiềm năng về nông nghiệp thì ít nhất các nước khác cũng đã buông phân khúc nông nghiệp cho chúng ta. Những thành tựu hiển nhiên về nông nghiệp, thêm vào đó là hiệu ứng cộng hưởng do sự thịnh vượng mang lại cho hai phần ba dân số, sẽ tạo ra một vị thế mới của Việt Nam. Tại sao không định vị Việt Nam như là nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu trên thế giới thay vì đứng thứ năm về đóng tàu, đứng thứ vài chục về làm được ô tô...?
Xin được bàn đến cách thực hiện. Một khi đã xác định chiến lược là phát triển nông nghiệp thì xin hãy "tập trung vào hạt gạo một nỗ lực như để làm ra máy bay Boeing, chip máy tính". Hãy khai thác trọn chuỗi giá trị từ nông nghiệp mang lại. Đó là từ những đầu tư vào công nghệ sinh học phục vụ cho giống, công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, công nghiệp chế tạo máy móc, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp thủy lợi, tưới tiêu, công nghiệp chế biến nông sản. Nói cách khác, các ngành kinh tế khác như phần mềm, ô tô, hóa dầu, bán lẻ, tiếp thị... hãy hướng vào phục vụ nông nghiệp. Hãy để một ki lô gam cà phê nằm trong siêu thị London có giá 15 đô la thì giá trị Việt Nam được hưởng đến 10 đô la, hoặc thậm chí hơn thế thay vì chỉ vài mươi xu như hiện nay.
Đoàn Đình Hoàng
BrandAscend consulting
(Bài đăng trên TB KTSG số 14, ngày 30/03/2006)
Very Interesting!
ReplyDeleteThank You!