Những thương hiệu mới nổi dạng như Google, Zara, Ebay là những dẫn chứng hiếm hoi của “thế giới phẳng” và suy cho cùng, chúng đều là những thương hiệu dẫn đầu sáng tạo trong nhưng lĩnh vực mới (với nghĩa đích thực của từ này là chưa từng hiện diện trên thế giới cho đến thời điểm nó phát minh ra) nhất định.
Nhà báo đã từng ẵm giải Puttlizer, Thomas L. Friedman, hẳn có lý khi chỉ ra thời đại toàn cầu hoá phiên bản 3.0. Với mười lực kéo phẳng trái đất tạo ra một thế giới của những năm đầu thế kỷ 21. Không còn chỗ cho những quốc gia đứng bên lề cuộc chơi, và cơ hội “bình đẳng” cho mọi cá nhân, mọi quốc gia nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ và các định chế toàn cầu. Liệu thế giới phẳng này có trở thành cơ hội cho Việt Nam?
Trước hết xin được trích ra đây vài dẫn chứng.
• Dẫn chứng 1: “Các thương hiệu Trung Quốc liệu có thể bành trướng ra thế giới? Câu trả lời là có thể, nhưng không dễ dàng gì.”. Trong một nghiên cứu mới đây của McKinsey, rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã chứng minh một cách thuyết phục rằng họ có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao với giá cả hợp lý. Những thương hiệu hàng đầu Trung Quốc như Haier, Lenovo, SVA với tham vọng chinh phục thế giới vẫn chỉ giữ một tỷ lệ doanh số khiêm tốn từ thị trường ngoài Trung Quốc theo thứ tự là 11%, 6% và 33% (bao gồm cả liên doanh) trong năm 2002. Liệu những giải pháp đầy tham vọng bành trướng ra thế giới khi đặt nhà máy tại Mỹ của Haier, khi mua lại dòng máy tính cá nhân IBM Thinkpad của Lenovo, khi liên doanh với nước ngoài của SVA có giúp gì cho các thương hiệu Trung Quốc. Những thách thức vẫn còn đó khi thị trường hàng điện tử vẫn còn đó những thương hiệu hàng đầu như Samsung, Sony, Hitachi và một thói quen tiêu dùng khó bỏ của thị trường không lồ của thế giới đối với mặt hàng này là Mỹ, Châu Âu là thay thế những tủ lạnh lớn hơn với thương hiệu đã dùng trước đó.
• Dẫn chứng 2: Trong một bài phát biểu mới đây, Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore đã đưa ra một chương trình nhằm biến Singapore thành “thỏi nam châm” thu hút nhân tài của thế giới. Một văn phòng mới với tên gọi là Dân số và công dân, trực thuộc Văn phòng thủ tướng, để đảm đương trọng trách chiêu hiền đãi sĩ, quảng bá thông điệp ra nước ngoài. Đồng thời, Singapore sẽ luôn khuyến khích người nhập cư giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và tiếng mẹ đẻ của người nhập cư. Một chính sách táo bạo, tham vọng và có tính khả thi khi sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt cả về văn hoá, sắc tộc. Cùng thời điểm này, trên diễn đàn Quốc Hội Việt Nam lại rộ lên những vấn đề về hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước, của việc bỏ hay không bỏ hộ khẩu, thành tích ảo trong giáo dục, v.v
• Dẫn chứng 3: Trong một 100 thương hiệu có giá trị nhất thế giới do Interbrand công bố gần đây, lại cũng như những năm trước cho dù thứ tự có thay đổi, nhưng cũng là danh sách hầu hết là các thương hiệu của Mỹ và có tuổi đời hàng nhiều chục năm. Những Coca cola, IBM, GE, McDonald’s, … vẫn là những thương hiệu đã sáng giá trong quá khứ, đang sáng giá ở hiện tại và chắc hẳn cũng sẽ sáng giá trong tương lai. Gần 30 năm mở cửa nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục cả về độ bền lẫn tỷ lệ, vẫn chưa có thương hiệu Trung Quốc nào len chân được vào sân chơi của những anh hào. Những thương hiệu mới nổi dạng như Google, Zara, Ebay là những dẫn chứng hiếm hoi của “thế giới phẳng” và suy cho cùng, chúng đều là những thương hiệu dẫn đầu sáng tạo trong nhưng lĩnh vực mới (với nghĩa đích thực của từ này là chưa từng hiện diện trên thế giới cho đến thời điểm nó phát minh ra) nhất định.
Thế giới phẳng, điều đó có vẻ là như vậy. Mười lực phẳng của Thomas L. Friedman có sức thuyết phục không chê vào đâu được. Tuy nhiên, hành động như thế nào trong thế giới phẳng đó mới là bài toán các quốc gia và doanh nghiệp cần tính toán. Từ một vài dẫn chứng khái quát trên xin mạo muội đưa ra một vài nhận định:
• Các nước trong thời đại toàn cầu hoá 3.0 phải (không thể đứng ngoài) bước vào cuộc đua tranh cùng thiên hạ. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, tuy phẳng, tâm của mặt phẳng vẫn có. Đó là các cực: Mỹ, Châu Âu, các nước rồng mới Nhật, Hàng Quốc và con hổ đang vươn vai thức giấc Trung Quốc
• Luật pháp và các định chế về sở hữu trí tuệ sẽ là lực tròn hoá giải cả 10 đạo quân phẳng hoá của Thomas. Cùng với thói quen cố thủ của người tiêu dùng, thoảng hoặc có tạo ra những thương hiệu để phục vụ cho người ngoài hành tinh thì khi đó, hoạ chăng mới có cơ may cho những thương hiệu mới.
• Phải tạo ra những phát minh đích thực, đi trên những con đường rất riêng không sao chép thì may ra một quốc gia mới tạo được lãnh thổ cho mình trong thế giới phẳng. Muốn vậy, không cách nào khác, xã hội phải là nền tảng ươm mầm các sáng tạo, và cùng với sự can thiệp tối thiểu của Nhà nước là cơ may cho các quốc gia chậm chân bước vào “thế giới phẳng”
Sài Gòn, August 24, 2006
Đoàn Đình Hoàng
(Được lượt trích đăng trên TBKTSG số 39-2006, 21/9/2006)
Comments
Post a Comment