Trưa ngày 7/11, trong phiên họp toàn thể tại Geneva, Đại hội đồng WTO trân trọng tổ chức lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức WTO, một chương mới mở ra cho nền kinh tế Việt Nam.
Rồi đây, người nông dân sẽ mơ gì về tương lai của chính mình khi trên thị trường đã tràn ngập “gạo Mỹ, quýt Trung Quốc, me Thái, v.v”, khi trên diễn đàn Quốc hội người ta còn đang bàn thu thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu phần trăm ở mức nào, người dân ở nông thôn muốn nhập cư ở thành thị phải chịu những ràng buộc gì, hộ khẩu vần còn là nỗi ám ảnh của “người quê” muốn trở thành “kẻ chợ”.
“Những vấn đề cốt lõi, thiết thực nhất của nông dân vẫn chưa được bàn thảo đến một cách có hệ thống”, “Ngay khi chưa gia nhập WTO, hiện nay trái cây VN đã bị lấn sân bởi trái cây ngoại rồi”, “Khi đất nước Đổi mới, thành phần nào cũng được hưởng thành quả, nông dân cũng vậy. Song so với các lĩnh vực khác, nông dân là người thụ hưởng ít nhất. Do đó rất cần thiết phải tổ chức lại nông nghiệp, tăng cường khuyến nông, đào tạo nghề cho nông dân...”, “ Giông bão hằng năm dân ta quá khổ và thiệt hại nhiều rồi, nhất là dân đi biển bị bão số 5 và mới đây là bão số 1. Nhưng với "bão thị trường" khi gia nhập WTO thì ai sẽ cảnh báo và ai sẽ tổ chức cho nông dân tránh bão đây ?”, “Gia nhập WTO: nông dân Việt Nam chưa được chuẩn bị sẵn sàng”, “Đấu trường chưa cân sức”, “Ai cứu nông dân?” luôn là những câu hỏi nhức nhối không lời đáp.
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”
Câu ca dao mộc mạc thấm đẫm đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam. Những nông dân một sương hai nắng tạo ra hạt gạo, con cá cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Cũng chính người nông dân “áo vải, cờ đào” đã đi vào sử sách chói lọi với võ công hiển hách làm thế giới phải ghi nhận một Việt Nam anh hùng trong giữ nước. Những “dân ấp, dân lân” chưa từng quen yên ngựa ấy đã phải “bỏ mặc ruộng nương cho bạn anh cày” khi đất nước lâm nguy để xông pha nơi mũi tên hòn đạn. Và cũng chính họ, trong ngày vui khải hoàn của dân tộc lại trở về với con trâu, cái cày, giã từ áo lính để làm người nông phu bình dị. Cao cả thay người nông dân Việt Nam!
Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa. Vẫn còn hàng triệu hộ nông dân chưa thoát khỏi đói nghèo. Những chăm sóc y tế, giáo dục, văn hoá, … vẫn còn là một khiếm khuyết lớn với bà con nông dân mà ta chưa từng vượt qua. Những chú Tư, dì Hai nông dân vẫn trĩu nặng âu lo, khắc khoải khi mơ về một tương lai ấm no, tươi đẹp hơn. Ước mong bình dị đó như vượt quá tầm tay của người nông dân. Gieo một hạt giống xuống đất, người nông dân lại “trông trời, trông nắng, trông mây”. Và ngay cả khi những vụ mùa bội thu, những ao sâu đầy cá tôm vẫn chưa giúp người nông dân thịnh vượng khi “Lối thoát nào cho trà? Được mùa vẫn âu lo? Con tôm đi hầu toà” vẫn còn trĩu nặng trên vai người nông dân.
Một Việt Nam phải trỗi dậy từ người nông dân. Giai cấp tạo ra của cải cho xã hội và là thị trường tiêu thụ to lớn của các ngành sản xuất. Nhìn từ góc độ sản xuất, người nông dân cung cấp nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp chế biến giúp tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập cho khu vực thành thị. Nhìn từ góc độ tiêu dùng, sự sung túc của người nông dân giúp tiêu dùng mạnh mẽ hơn sản phẩm sản xuất ra từ các ngành công nghiệp, từ khu vực đô thị. Điều này cũng có nghĩa là cuộc sống của người đô thị được cải thiện hơn.
Xin hãy nói lời tri ân của chúng ta đến với người nông dân một sương hai nắng.
Xin hãy cùng xây đắp một nước Việt Nam giàu mạnh bằng quyết định ngay ngày hôm nay của chúng ta. Hãy tiêu dùng hàng Việt Nam.
Xin đừng thêm một lần nữa lỗi hẹn với người nông dân.
Sài Gòn, 7/11/2006
Tạp bút
Đoàn Đình Hoàng
Brand Ascend Consulting
Comments
Post a Comment