Sáng nay, tại Saigontimes group, một buổi hội thảo về chủ đề "Tạo giá trị gia tăng cho hàng nông sản - Giải pháp nâng sức cạnh tranh" đã được tổ chức với sự tham gia đông đảo giới nghiên cứu nông nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, các cơ quan truyền thông.
Quả thật, đây là đề tài muôn thưở của nông sản Việt Nam đã được đặt ra từ rất nhiều năm trước đây nhưng vẫn chưa được giải quyết. Diễn đàn thực sự nóng ngay từ lúc khai mạc với bài phát biểu của ông Nam, chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Việt Nam. Với những thành tích "nổi bật" từ như xuất khẩu nhất thế giới, cuộc sống người nông dân trồng tiêu giàu lên, ngoại tệ đem về cho quốc gia, sản lượng và năng suất hồ tiêu tăng lên, v.v những tưởng được sự đồng cảm của người tham gia hội thảo lại bị phản biện mạnh mẽ từ nhiều góc độ. Những cảnh báo về phát triển tràn lan, tự phát, tình hình sâu bệnh, kiệt quệ sinh thái, v.v được mổ xẻ mạnh mẽ từ những người đồng cảm sâu sắc với nông nghiệp Việt Nam.
Rõ ràng, một khoảng trống đáng sợ từ việc phân hoá giàu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tình trạng manh mún, tự phát, chạy theo phong trào một lần nữa cảnh tỉnh những "thành tích" thiếu bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Cũng từ hội thảo này, một liên kết 8 nhà được đề xuất (trước đây thường nói đến liên kết 4 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, 8 nhà có thêm nhà truyền thông - nhà bank - nhà văn hoá - nhà hảo tâm, những tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, v.v). Nông nghiệp Việt Nam cần phải định vị mình trên thị trường nông sản thế giới. Quả thật, những vấn đề có tính chiến lược nhằm giải quyết một cách căn bản cho nông nghiệp Việt Nam được đề xuất phần lớn từ doanh nghiệp.
Là một người hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu và quan tâm đặt biệt tới nông nghiệp tôi lại cảm nhận được Hội thảo lại một lần nữa "đá ném ao bèo" như rất nhiều cuộc hội thảo khác.
Trước hết, nông nghiệp có một đặt thù quan trọng rất riêng của Việt Nam. Đó là:
1. Ảnh hưởng của nông nghiệp đối với Việt Nam là rất lớn. Trên 70% dân số Việt Nam vẫn sống ở khu vực nông thôn và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nông nghiệp. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, chế biến, v.v lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ lĩnh vực nông nghiệp thể hiện qua sức mua, nguyên vật liệu đầu vào, lao động, v.v
2. Thành tựu kinh tế của Việt Nam gắn liền với những chính sách có tính đột phá liên quan đến nông nghiệp mà khoán 100, khoán 10, chính sách hạn điền, v.v trong quá khứ đã chứng minh.
3. Nông nghiệp lại là một ngành có độ trễ rất lớn, đòi hỏi phải có thời gian chứng minh từ lúc định hình những chính sách vĩ mô đến kết quả triển khai trong thực tiễn. Thời gian này có khi là 5 năm hoặc hơn.
Chính vì 3 lý do trên, bất kỳ nhà lãnh đạo đương nhiệm nào cũng ít dám tác động trực tiếp vào lĩnh vực này. Đơn giản chỉ vì: nếu thành công thì chưa biết lợi gì còn thất bại thì chắc chắn chiếc ghế sẽ lung lay. Do vậy, một chính sách nông nghiệp tổng thể tầm quốc gia chưa lúc được được hoạch định một cách chủ động mà chỉ chạy theo nhu cầu phát sinh trong thực tiễn.
Một lần nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO, chắc hẳn nông nghiệp cũng phải được khởi xướng từ thực tiễn thay vì trong chờ vào một phép màu nào đó đến từ Nhà nước.
Thiết nghĩ,
doanh nghiệp phải là lực lượng nhận lãnh sứ mạng nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Vì không ai khác hơn có thể hiểu về người tiêu dùng và trăn trở về cách làm hài lòng người tiêu dùng hơn doanh nghiệp. Cũng chính họ, vì áp lực của nhà đầu tư tư bản (vốn) buộc phải quay lại kiểm soát các công đoạn đầu vào (Upstream) của chuỗi giá trị để có thể thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng và tìm cách huy động nhà khoa học, nhà truyền thông, nhà văn hoá, v.v vào công cuộc tạo giá trị gia tăng cho nông sản. Hơn thế nữa, chỉ khi nào dòng vốn từ ngân hàng chảy vào nông nghiệp qua kênh doanh nghiệp trong sự cạnh tranh bình đẳng để có được nguồn lực thì dòng vốn đó mới hiệu quả thay vì được chảy trực tiếp từ ngân hàng đến nông dân.
Ngoài ra, với sức mua của 85 triệu dân trong bối cảnh nền kinh tế đang cải thiện nhanh chóng, thị trường nội địa nên phải là một lựa chọn then chốt cho nông sản Việt Nam. Chỉ khi nào nền nông nghiệp Việt Nam đứng được cả ở "sân nhà" lẫn "sân khách" thì rủi ro do các rào cản bảo hộ quốc tế về nông sản mới được giải toả và nông nghiệp Việt Nam mới có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn
Comments
Post a Comment