“Dưới góc độ là người tư vấn thương hiệu, tôi cho rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản thực sự là vấn đề bức xúc hiện nay”- Chuyên gia Thương hiệu Đoàn Đình Hoàng khẳng định
Tại buổi tọa đàm “Tạo giá trị gia tăng cho hàng nông sản - Giải pháp nâng sức cạnh tranh” do Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông, thuỷ sản Việt Nam vừa diễn ra (18/1) tại TP.HCM, PV Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Tư vấn Thương hiệu Đoàn Đình Hoàng xung quanh vấn đề cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam (NSVN).
Theo ông Đoàn Đình Hoàng, nhiều mặt hàng NSVN trong các năm qua đã có vị trí khá cao trên thị trường thế giới. Tuy xuất khẩu với số lượng rất lớn nhưng lại chưa chú trọng nhiều đến công nghệ chế biến nên không có được giá bán tốt nhất. Bên cạnh đó, hầu như hàng NSVN xuất khẩu phải qua trung gian nên dễ bị ép giá. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu NSVN, các dịch vụ - thương mại nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản…là những vấn đề rất đáng được quan tâm hiện nay.
PV: Thưa ông, với tư cách là chuyên gia tư vấn thương hiệu, ông đánh giá gì về thương hiệu nông sản Việt Nam hiện nay?.
Ông Đoàn Đình Hoàng: Trong năm 2006, tình hình xuất nhập khẩu nông sản cả nước có dấu hiệu đáng mừng với 4 mặt hàng nằm trong câu lạc bộ có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, caosu và cà phê. Qua đó cho thấy, NSVN có sức mạnh rất đáng kể, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, nông sản mà chúng ta xuất khẩu thường ở dạng thô, dạng sơ chế chưa qua công đoạn khai thác giá trị gia tăng. Nếu so với một số mặt hàng của các nước trên thế giới như gạo của Thái Lan, cà phê của Colombia… thì NSVN vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vì vậy, NSVN chưa có thương hiệu mạnh ở tầm thế giới. Vì thông thường chúng ta gặp phải điệp khúc “được mùa mất giá”, xuất khẩu nhiều nhưng đời sống của người nông dân chưa được cải thiện nhiều. Tôi cho rằng, một trong các nguyên nhân trên là chúng ta chưa tạo dựng được hàng hóa NSVN trên thương trường quốc tế.
PV: Việc xây dựng thương hiệu có phải là giải pháp bức bách nhất để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập?
Ông Đoàn Đình Hoàng: Dưới góc độ là người tư vấn thương hiệu cho nhiều ngành hàng cũng như các doanh nghiệp ở Việt Nam, tôi cho rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản thực sự là vấn đề bức xúc hiện nay. Vì trong sân chơi WTO, chỉ có hàng hóa khai thác được giá trị cao mới mang lại lợi ích cho quốc gia, mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nói cho cùng, khi xuất khẩu một sản phẩm, tốt hơn hết chúng ta nên khai thác tối đa các giá trị có thể có.
Chính vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng thương hiệu NSVN. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nông sản phải hiểu một cách rộng rãi hơn. Phải bao gồm phần cứng và phần mềm.
Phần cứng, nghĩa là chúng ta tạo ra một sản phẩm nông sản có chất lượng ổn định, quy mô. Chúng ta gọi là quy mô sản phẩm hàng hóa, chứ không phải quy mô được lắp ghép bởi các cơ sở sản xuất, các hộ sản xuất manh mún, không đồng đều.
Khi chúng ta có một sản phẩm với một đẳng cấp chất lượng, giá thành tương đối tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thì lúc đó phần mềm xây dựng thương hiệu mới bắt đầu phát huy. Phần mềm ở đây chính là gia tăng các nỗ lực để tạo ra sự bóng bẩy cho hàng hóa. Đó chính là bao bì sản phẩm, là thông điệp chúng ta chuyển tải đến khách hàng một cách chuyên nghiệp nhất, đẹp nhất, phù hợp với nhu cầu thị trường.
PV: Cần có những giải pháp gì để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam ở thị trường trong cũng như ngoài nước, thưa ông?.
Ông Đoàn Đình Hoàng: Để nâng cao tính cạnh tranh của NSVN đòi hỏi phải có một giải pháp toàn diện và đồng bộ.
Thứ nhất, gia nhập WTO, nghĩa là chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia khác.
Thứ hai, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về cải cách kinh tế. Phải có cam kết từ phía Chính phủ về cung cấp cơ sở hạ tầng cho NSVN. Cam kết từ phía doanh nghiệp trong việc đưa NSVN ra thị trường thế giới (trước mắt là thị trường trong nước). Doanh nghiệp phải là cầu nối giữa người nông dân với thị trường. Cam kết từ nông dân phải biết ứng dụng KHKT vào nông nghiệp, phải biết qui trình về chế biến nông sản một cách chuyên nghiệp. Đó chính là mạch máu cho NSVN có giá trị gia tăng tốt hơn.
Tương tự như vậy, về mặt giá cả đầu vào như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… nếu Chính phủ có cam kết và hỗ trợ phù hợp trong phạm vi mà WTO cho phép thì người nông dân sẽ tạo ra những sản phẩm mang giá trị cao. Trên cơ sở đó, NSVN sẽ có được một nền tảng tốt để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và giá cả phù hợp. Khi đó, không chỉ đứng vững ở trong nước mà nông sản có thương hiệu sẽ chiếm được một miếng bánh lớn hơn trong chuỗi giá trị gia tăng cao hơn. Đó là bức tranh mà tôi đang mơ ước về nông sản Việt Nam./.
Bài đăng trên
http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsId=13537&topicId=0&zoneId=1
Đoàn Đình Hoàng
Brandascend Consulting
Jan 25
Comments
Post a Comment