Nhiều doanh nghiệp Việt Nam để ý nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cần bắt đầu từ đâu và nên làm như thế nào để xây dựng thương hiệu.
Thông thường, khi bắt đầu thì doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc vẽ lại logo (vì nghĩ logo đang dùng không còn hợp thời), sáng tác ra một câu khẩu hiệu (slogan, vì chưa có hay đã có nhưng nghe không oai), làm phim quảng cáo, in ấn tờ rơi... và tùy theo ngân sách mà doanh nghiệp có những hoạt động truyền thông khác nhau. Doanh nghiệp thường rất nhạy với hiệu quả, nên chỉ sau chừng vài tháng đến một năm, mọi chuyện có vẻ quay lại điểm xuất phát. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung gồm:
- Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc xây dựng thương hiệu là chuyện một sớm một chiều. Điều này cũng không có gì lạ vì từ trước giờ các khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra thường thấy được hiệu quả tức thì. Dự một hội chợ, doanh nghiệp có thể có ngay một vài mối làm ăn. Mua thêm một cái máy, năng suất tăng và phế phẩm giảm rõ rệt. Khuyến mãi 10% thì ngay lập tức doanh số tăng vài ba chục phần trăm. Việc xây dựng thương hiệu không thể đem lại hiệu quả tức thì như vậy mà cần thời gian.
- Hoạt động truyền thông phân tán: doanh nghiệp có ít tiền nhưng lại muốn ôm đồm nhiều mục tiêu, do vậy các kế hoạch marketing thường dàn trải. Đã ít tiền mà còn dàn trải thì rõ ràng, hiệu quả sẽ chẳng được bao nhiêu. Thêm vào đó, ngân sách truyền thông thương hiệu đến từ “bầu sữa” bán hàng. Tiền bán hàng không tăng bao nhiêu mà tiền chi cho marketing thì lại tăng ào ào làm doanh nghiệp thường “đuối sức” vào cuối trận.
- Doanh nghiệp thường không trả lời được một cách thuyết phục về câu hỏi tại sao phải có logo mới, khẩu hiệu mới. Và điều quan trọng hơn, doanh nghiệp chưa tính đủ các giá trị của logo, khẩu hiệu cũ và cũng không xác định được hình ảnh nhận diện mới, thông điệp mới có làm mất tình cảm vốn có của khách hàng đối với doanh nghiệp? Và liệu sự thay đổi này có giúp doanh nghiệp tìm thêm được khách hàng mới?
Doanh nghiệp nên tránh xây dựng thương hiệu theo kiểu phong trào. Phải xác định đầu tư cho thương hiệu là một cuộc đua chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc. Và trên tất cả, phải đứng trên góc độ của khách hàng để xây dựng thương hiệu.
Đoàn Đình Hoàng,
Brandascend consulting
(Đăng trên TB KTSG số 15-2007, ngày 5/4/2007)
http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/ts_bd.asp?muc=13&Sobao=851&sott=4
April 9, 2007
Cám ơn bạn. Tôi không có ý định quảng bá rộng rãi blog này. Mục tiêu của blog là để giãi bày những vấn đề về thương hiệu trong quá trình làm việc của cá nhân. Hoan nghênh mọi sự trích dẫn với đầy đủ nội dung và nguồn.
ReplyDelete