"Chính phủ Malaysia “bỏ mặc” Proton" là tựa một bài báo đăng trên dantri.com.vn hôm nay. Sự việc không có gì ầm ĩ nếu chúng ta biết rằng Proton là đứa con cưng của Chính phủ Malaysia. Từ những năm đầu của thập niên 80s, Chính phủ Malaysia đã mong muốn gầy dựng ngành công nghiệp ô tô Malaysia. Bằng việc liên kết với Misubishi, thương hiệu xe Malaysia, Proton xuất xưởng chiếc xe đầu tiên vào ngày 27/6/1984. Với hàng loạt sự trợ giúp của chính phủ Mahathir bằng cách hỗ trợ tiêu thụ, hàng rào quan thuế, trợ giúp tài chính, v.v Proton không chỉ là thương hiệu xe hơi số một tại Mã Lai mà còn từng bước xuất khẩu sang châu Âu và các nước trong khu vực. Sản lượng Proton tăng trưởng một cách thần kỳ, 150 ngàn xe năm 1989, 200 ngàn xe năm 1990, 300 ngàn xe năm 1991, v.v Chuỗi thành tích đó không che dấu được điểm yếu cốt tử của chính sách bảo hộ. Và sẽ không có gì ngạc nhiên khi thông tin "chính phủ bỏ mặc Proton" như chúng ta vừa đề cập trên.
Nhìn lại nền công nghiệp ô tô Việt Nam, bài học này còn nguyên giá trị. Sau gần 20 năm ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô. Cái được lớn nhất có lẽ là sự hiện diện trên chục nhà sản xuất ô tô khắp thế giới từ Nhật, Đức, Mỹ, Mã, v.v trên đất Việt Nam. Còn về công nghệ sản xuất ô tô thì vẫn còn ở dạng IKD với phần giá trị gia tăng tại Việt Nam chỉ ở công đoạn sơn tĩnh điện và các trang thiết bị bằng nhựa, dây điện, lao động láp ráp. Phần linh hồn của động cơ là máy động lực và nguyên liệu thép vẫn còn nhập khẩu tận trời Âu, trời Nhật xa xôi. Và một thành tích tuyệt vời nữa của "Bảo hộ" ô tô chính là tiêu chuẩn môi trường, an toàn đứng hàng đầu thế giới (tính từ dưới lên) nên khả năng xuất khẩu xe hơi Việt Nam càng thêm mờ mịt. Rồi đây, nguồn lực vốn đã hiếm hoi của một nước nghèo như Việt Nam lại phải gồng mình gánh chịu những hậu quả do ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải công nghiệp do ô tô lắp ráp mang lại.
Ngẫm chuyện Proton của Mã Lai, mới thấy hết ý nghĩa "ưu việt" của "bảo hộ" khi mà mới đây, thêm một đề án của ngành điện lại gây xôn xao dư luận.
Lòng tự dặn, phải sớm trang bị cho con trẻ một tinh thần trường kỳ trả nợ để khỏi phải "stress" khi lớn lên.
Đoàn Đình Hoàng
BrandAscend Consulting
June 15, 2007
Comments
Post a Comment