Gần đây, tôi nhận được email của một bạn trẻ, người tự nhận mình là một tín đồ của giáo phái marketing, có đề cập đến từ “nói marketing” và “làm marketing”.
Gần đây, tôi nhận được email của một bạn trẻ, người tự nhận mình là một tín đồ của giáo phái marketing, có đề cập đến từ “nói marketing” và “làm marketing”. Lần đầu tiên tôi được nghe các cụm từ này. Tôi thật sự không hiểu lắm về chúng. Bỏ thời gian tìm tòi thông qua cách đặt vấn đề của tín đồ marketing này tôi lờ mờ hiểu rằng: “Nói marketing” ý muốn dùng cho những người có hoạt động liên quan đến marketing nhưng không thực hiện hoạt động marketing trong thực tiễn và còn hàm chứa cả những người có hoạt động marketing trong thực tiễn nhưng không thành công trong các hoạt động marketing; “làm marketing” là thuật ngữ để chỉ người có hoạt động liên quan đến marketing và gặt hái thành công thông qua các hoạt động marketing.
Có lẽ, tín đồ marketing muốn nói đến Lý thuyết gia marketing (Marketing theorizer) và Người hoạt động marketing thực tiễn (Marketing practitioner). Tôi không có ý định đi sâu vào phân tích hai khái niệm này, chỉ cần mất vài phút hỏi Google là có ngay câu trả lời mà thôi. Ý tưởng lớn mà tôi muốn phân tích là cách nhìn về marketing của tín đồ này. Nôm na, được hiểu như sau: nhiều người chỉ được cái nói về marketing, thậm chí nói rất hay, còn khi làm thì chỉ có thất bại. Nhiều người có thể không nói được nhưng luôn thành công khi “làm marketing”. Sự nhìn nhận này xuất phát từ cái nhìn phiến diện về marketing, cụ thể là khái niệm marketing khi không đặt marketing trong mối tương quan với các hoạt động khác của xã hội nếu hiểu marketing theo quan niệm rộng, và với các hoạt động khác của doanh nghiệp nếu hiểu marketing trong phạm vi doanh nghiệp. Tôi xin mạo muội đưa ra những lập luận của mình về khái niệm marketing. Tuy nhiên, để việc tiếp cận được chi tiết, tôi xin phân tích sâu vào marketing trong doanh nghiệp.
Mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp là tồn tại và phát triển. Muốn tồn tại được, doanh nghiệp phải tạo ra một lượng giá trị lớn hơn những đầu tư đã bỏ vào doanh nghiệp. Để đơn giản, mọi giá trị được lượng hoá thành tiền kể cả thương hiệu, uy tín, tính đúng đắn về chiến lược, đại dương xanh, sự hậu thuẫn của chính phủ, bảo hộ, v.v
Phân tích từ phía đầu tư, các khoản đầu tư sẽ rơi vào việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu, trả lương cho lao động, v.v Tuỳ thuộc vào đặc thù kinh doanh của mỗi loại hình doanh nghiệp, các khoản đầu tư có thể đa dạng nếu là loại hình sản xuất và đơn giản hơn nếu là loại hình dịch vụ. Tất nhiên, có nhiều hạn mục đầu tư sẽ không thể tính trọn ngay một lần vào chi phí sản xuất mà phải chia ra cho nhiều sản phẩm, trong một khoảng thời gian nhất định, có thể gọi là thời gian khấu hao. Do vậy, khoản đầu tư của doanh nghiệp thường chi ra làm 2 cách thu hồi: (1) thu hồi trực tiếp trên sản phẩm bán ra; (2) thu hồi một phần trên sản phẩm bán ra dưới dạng khấu hao
Phân tích từ phía doanh thu, phần lớn doanh thu đến từ hoạt động bán hàng theo nghĩa thông thường. Tất nhiên, với một quỹ đầu tư thì phần lớn doanh thu lại đến từ hoạt động đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng với một doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ thông thường thì phải bán được hàng nếu muốn có doanh thu. Và nếu muốn có doanh thu lớn thì phải bán được nhiều hàng và hàng bán được với giá cao so với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác.
Nôm na, một doanh nghiệp muốn tồn tại phải có doanh thu và doanh thu này phải lớn hơn chi phí để giúp doanh nghiệp không phải lấy tiền nhà góp thêm vào công ty hàng tháng. Đến khi nào, doanh nghiệp có doanh thu bằng chi phí thì lúc đó, doanh nghiệp mới có thể nói đến việc tồn tại. Và khi có doanh thu cao hơn chi phí, doanh nghiệp mới có dấu hiệu của phát triển. Theo cách nhìn nhận ở quy mô sơ khai nhất trong hoạt động một doanh nghiệp, cho thấy vai trò quan trọng nhất của một doanh nghiệp không phải là ông chủ, cũng không phải là giám đốc sản xuất, lại càng không phải là giám đốc marketing. Nhân vật quan trọng nhất của một doanh nghiệp chính là “Khách Hàng” (Viết hoa). Không có khách hàng thì nhà xưởng cũng đến lúc bán sắt vụn, giám đốc marketing thiên tài cũng sẽ về nhà đuổi gà cho vợ vì không lẽ đi làm không nhận lương. Đến đây, sự việc bắt đầu đi vào trọng tâm vấn đề. Sẽ dễ dàng cho doanh nghiệp xiết bao nếu có rất nhiều khách hàng muốn mua sản phẩm của doanh nghiệp. Và sẽ tha hồ nâng giá bán ra nếu có quá nhiều khách hàng muốn mua nhưng hàng hoá doanh nghiệp sản xuất ra không đủ đáp ứng. Cứ so sánh giá cước điện thoại di động cách đây 5 năm và nay thì sẽ thấy điều này rõ ràng thôi.
(Còn tiếp)
Good post.
ReplyDelete