Chiều 24/4 tại Furama, Diễn đàn kinh tế miền Trung ngày càng nóng hơn cho dù bên ngoài trời đã chuyển sang chiều muộn. Rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều diễn giả tập trung đóng góp cho Diễn đàn. Điểm đạt được đồng thuận cao nhất chính là nhu cầu phải liên kết lại của các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp với nhau, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Một thực trạng mà các ý kiến phát biểu nêu lên chính là các địa phương, các doanh nghiệp với nhau, đã chọn giải pháp cạnh tranh thay vì liên kết. Điều này được dẫn chứng bởi thực trạng tỉnh nào cũng đầu tư cảng biển, tỉnh nào cũng mở khu công nghiệp, mở resort, v.v Trong một bài báo trên Tuổi Trẻ cuối tuần trước đây, đã từng có cảnh báo “cuộc đua xuống đáy” để nói lên việc cạnh trạnh này.
Điều đáng suy gẫm đến từ quan điểm về giải pháp liên kết. Hầu hết, từ cấp lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo các trung tâm đào tạo, lãnh đạo doanh nghiệp lại tiếp cận giải pháp với sức ỳ tâm lý cố hữu cuả thời kỳ bao cấp. Liên kết là một nhu cầu tự thân của đám đông (nhóm) khi từng cá thể cảm nhận (cũng có thể xem là kỳ vọng) được giá trị lớn hơn có được khi liên kết. Một liên kết, tự nó hình thành bởi một cá thể tìm cách gia tăng giá trị cuả mình thông qua liên kết và đạt được khi đối tác liên kết cũng đạt được một giá trị gia tăng cho chính họ. Đây chính là một dạng lý thuyết trò chơi (games theory). Xét đơn giản cho một liên kết chỉ có 2 cá thể. Chắc chắn, phải có một cá thể xuất phát đề nghị được liên kết với đối tác. Liên kết sẽ được hình thành khi bên đề nghị liên kết và bên được đề nghị liên kết tìm thấy lợi ích phù hợp khi liên kết hình thành. Do vậy, phương án đề nghị, trước hết và chắc chắn sẽ cần chưá đựng lợi ích của mình trong liên kết nhưng cũng phải chỉ ra được lợi ích mà đối tác liên kết của mình cũng sẽ nhận được từ liên kết. Sự trì hoãn nằm ở chỗ “ai”, địa phuơng nào, doanh nghiệp nào, doanh nghiệp hay trung tâm đào tạo, sẽ là người chủ động đưa ra phương án liên kết với đối tác. Sự liên kết do vậy bị bế tắt vì không “ai” chịu là chủ thể đưa ra liên kết. Tất cả, ngay lập tức tìm đến một giải pháp mang tính ỳ của cả một giai đoạn. Đó là: phải hình thành một tổ chức, hay một đầu mối, hay một ban, đây chính là “bàn tay hữu hình”, để thực hiện việc liên kết. Liệu “bàn tay hữu hình” này có tránh khỏi vết xe đổ của những “liên kết hình thức”, “liên kết chủ trương” đã từng có hay không?
Tại sao chúng ta không tư duy theo hướng liên kết bởi “bàn tay vô hình”? Các địa phương cứ cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư, và chắc chắn sẽ có những địa phương phải xuống đáy và khi đó sẽ có những tỉnh, những địa phương lựa chọn cho mình một “định vị” phù hợp hơn cho mình. Xin được nêu một ví dụ. Phần lớn cửa ngõ giao tiếp với nước ngoài ở miền Trung là Đà Nẵng vì lợi thế về sân bay quốc tế và cảng biển. Nếu Huế cũng tập trung vào nỗ lực xây sân bay, xây cảng thì vẫn khó mà đủ sức cạnh tranh với Đà Nẵng về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Thay vào đó, Huế có thể tập trung và tôn tạo môi trường, gìn giữ nét thơ mộng, êm ả, trầm mặc để thu hút khách du lịch của nhu cầu tìm đến một nơi chốn yên bình, một “không gian Huế”. Điểm cần thiết duy nhất để “bàn tay vô hình” vận hành là phải có người, có nơi chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình. Lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm cho việc nghèo đói của địa phương mình, chủ doanh nghiệp phải bị phá sản, phải bị thiệt hại về tiền bạc cho quyết định “đua làm resort” của mình, lãnh đạo trường đại học phải chịu trách nhiệm cho quyết định lựa chọn chuyên ngành đào tạo, cho quyết định chọn phương pháp đào tạo không phù hợp của mình. Dường như, cơ chế chịu trách nhiệm này chưa được vận hành. Lãnh đạo địa phương vẫn trúng cử hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác cho dù dân chúng ngày càng khó khăn hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp vẫn nắm ngày càng giữ cương vị cao hơn khi doanh nghiệp càng lún sâu vào nợ nần, v.v
Khó quá, “sức ỳ” ơi.
Đoàn Đình Hoàng
Brand Ascend Consulting
Sài Gòn, April 26, 2008
(Bài đăng trên TTCT, 17-2008, ngày 4/5/2008)
Comments
Post a Comment