Sáng đầu tuần, lướt qua trang báo TT, đọc được tin lãnh đạo Sở GTCC kiểm điểm kết quả tám nhóm giải pháp với kết quả “Hai tốt, sáu hạn chế”. Cảm giác hơi bất an vì khái niệm “tốt, hạn chế” nghe quen như điệp khúc “ ngập do mưa, kẹt do nhiều xe”. Dắt xe đi làm và đối đầu ngay với thực tế. Mất hơn 2 giờ đồng hồ để đến được văn phòng ở Hàng Xanh từ nhà là Thanh Đa. Một khoảng cách chưa đến 2km đường chim bay. Một vụ kẹt xe cả khu vực từ Bến xe Miền Đông hướng về quận 1 kéo dài hơn 4 giờ. “Kẹt xe là do phương tiện giao thông tăng nhanh hơn hạ tầng giao thông” có lẽ còn kéo dài khi, dường như, cả cơ quan quản lý, cả cơ quan dân cử vẫn chưa thực sự thay đổi.
May mắn một điều, người dân có năng lực thích nghi rất tốt. Cách đây vài ba năm, khi gặp một vụ ùn tắc, rất nhiều người tìm cách len lên trước, nhiều người ngồi trên xe nổ máy tìm cách len vào từng centimet trống. Trong buổi kẹt xe sáng nay, quan sát xung quanh thấy có rất nhiều người tắt máy xe, nhiều người khác tách ra khỏi đám đông dừng xe nghỉ ngơi, không một lời than phiền cho dù thời gian “nghỉ ngơi bắt buộc” lên đến vài giờ.
Kẹt xe, chắc chắn cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm “quản lý” của mình. Tuy nhiên, cơ quan dân cử, cũng tương tự, chưa thực hiện hết chức năng giám sát xã hội mà người dân đã tin tưởng thông qua lá phiếu bầu chọn. Trước một vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng như kẹt xe, vẫn chưa có lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm, phải chịu sự trừng phạt cho năng lực yếu kém của mình. Nhìn các nhóm giải pháp đưa ra, phần lớn đều hướng vào việc thực hiện quyền uy để áp đặt lên đối tượng quản lý. Tại sao không làm theo chiều ngược lại. Chính cơ quan quản lý phải thay đổi để cải thiện tình hình. Xin nêu ra đây một dẫn chứng nhỏ để thấy được “kẹt xe” hay “kẹt tư duy”. Đứng trước một vấn đề cần giải quyết, yêu cầu đầu tiên là phải chỉ ra đúng nguyên nhân. Cả cơ quan quản lý và cơ quan dân cử lại dễ dàng đồng thuận về nguyên nhân “do nhu cầu tăng” (không tăng mới là điều đáng buồn vì dân nghèo quá không mua nổi xe máy!) mà không chịu phân tích đến cùng vấn đề. Liệu Việt Nam sẽ ở đâu trên thế giới nếu năng suất lao động được đo bằng tốc độ của xe đạp hay đị bộ? Liệu các nghiên cứu về nguyên nhân kẹt xe có thể nhìn xa hơn đến lý do hiện diện của phương tiện giao thông trên đường hay không? Đã có cán bộ nào của Sở GTCC hỏi từng người trong đám đông kẹt xe về lý do họ hiện diện trong đám kẹt xe chưa? Bao nhiêu trong số họ phải hiện diện trên đường vì để đóng góp vào việc tạo ra của cải cho xã hội? Bao nhiêu trong số họ “buộc phải hiện diện” trên đường để tiêu tốn xăng dầu, sức lực, giờ làm ăn cho những đòi hỏi vô lý hay sự chậm trễ, thất hẹn của cơ quan công quyền? Chắc chắn sẽ có không ít lý do là liên quan đến cơ quan quản lý công quyền, chính xác hơn là hành chính công. Không ít người bị kẹt xe vì phải đến cơ quan công quyền lấy một mẫu đơn, chứng thực một bản sao, xin mã số thuế, hỏi về thủ tục làm “sổ đỏ”, v.v Hầu hết những nguyên nhân liên quan đến hành chính công xuất phát từ năng lực yếu kém của hệ thống hành chính công. Tại sao phải hỏi về thủ tục nếu cơ quan công quyền đưa vấn đề cần hỏi lên web, có người trực điện thoại để giải đáp thông tin? Tại sao phải mua một mẫu đơn khi mẫu đơn này có thể đưa lên web? Tại sao họ phải lên xuống Quận cả chục lần để bổ túc hồ sơ và cũng chừng đó lần hẹn mà chưa nhận được sổ đỏ, v.v. Rà soát lại các thủ tục hành chính và tìm ra hướng điều chỉnh nhằm giảm thiểu số lần tương tác trực tiếp giữa người dân và cơ quan công quyền là điều nên làm ngay, làm trước. Nhà nước phải là chủ thể thay đổi trước cho mục tiêu tốt hơn thay vì áp đặt sự thay đổi lên người dân. Một xã hội văn minh hướng đến việc trao cho người dân thêm quyền chứ không phải hạn chế quyền tối thiểu từ các nhu cầu được cư trú, được làm việc đến quyền được lưu thông trên đường. Trong mối quan hệ với người dân, quản lý Nhà nước là để tạo nên một trật tự ổn định và hướng đến giá trị mà người dân thụ hưởng thay vì là quyền thụ hưởng của công chức.
Xin được nêu một ví dụ về việc xin visa đi Mỹ. Người muốn xin visa phải điền vào mẫu đơn trên mạng và gửi ngay trên mạng sau khi điền. Đến ngân hàng do cơ quan lãnh sự Mỹ chỉ định để đóng lệ phí và nhận phiếu hẹn phỏng vấn. Tham gia phỏng vấn. Từ chối cấp visa hoặc đồng ý cấp visa được thông báo ngay khi kết thúc phỏng vấn. Ghé văn phòng lãnh sự vào giờ hẹn để nhận visa (trường hợp được chấp thuận). Có quá nhiều thủ tục giúp người xin visa không phải ra đường hoặc có thể ra đường vào những giờ rất khác nhau trong ngày. Đó là: không phải lấy/mua mẫu đơn (1 lần ra đường), đóng tiền tại ngân hàng (có thể ghé bất kỳ lúc nào trong giờ làm việc Ngân hàng), không phải chứng thực, photo bất kỳ tài liệu nào (2 lần ra đường), không bị hẹn tới lui nhiều lần.
Nếu cơ quan công quyền thực sự muốn giải quyết nạn kẹt xe, hãy giải quyết nạn “kẹt tư duy” trước.
Đó là:
>> những người chịu trách nhiệm cho vấn đề phải là người đầu tiên gánh chịu thiệt hại, thiệt hại đó đôi khi đơn giản chỉ là chịu hướng dẫn người dân chi tiết hơn về một thủ tục hành chính cho đến những thiệt hại lớn hơn như bị bất tín nhiệm, bị cách chức.
>> những vấn đề xã hội cần thiết phải có những nghiên cứu khoa học trước khi lựa chọn giải pháp. Chỉ khi nào biết được nguyên nhân đích thực của “kẹt xe” thì mới có thể giải quyết triệt để vấn đề. Có những giải pháp có kết quả ngay, có những giải pháp tạm thời, có những giải pháp căn cơ. Trên tất cả, các giải pháp phải được định lượng: số vụ kẹt xe, tần suất, quy mô vụ kẹt …
>> các vị đại biểu của dân hãy thực thi quyền giám sát, quyền lựa chọn giải pháp cũng phải phản ánh được những được, mất của cử tri mà mình đại diện. Hãy cho cử tri được thấy quyền và niềm tin của họ qua lá phiếu.
Saigon, May 6, 2008
Đoàn Đình Hoàng
(Bài đăng trên TTCT, số ra ngày 10/5/08)
Comments
Post a Comment