Việt Nam ngày càng có nhiều nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ngoại tệ từ xuất khẩu. Nông nghiệp Việt Nam từng bước đang vươn ra thế giới và đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. Lẽ thường, người nông dân những sẽ khá hơn tương xứng với công sức cày sâu cuốc bẫm ngày đêm. Nhưng lẽ thường tình này, đôi khi vẫn chỉ là mong ước ngoài tầm tay. Trong số hàng tá nguyên nhân, không thể không kể đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ có ý định đề cập đến những gợi mở cho việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm đóng góp vào sự sung túc của người nông dân.
Trước hết, xin được nhận dạng về thương hiệu nông sản. Nhìn từ góc độ đơn giản, thương hiệu nông sản chính là sự nhìn nhận của người tiêu dùng, của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp. Nếu thị trường thừa nhận nông sản có chất lượng cao, có độ ổn định về chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao gói, mẫu mã đẹp, v.v thì nông sản đó sẽ được trả giá cao tương xứng hoặc trong một số trường hợp mức độ sẵn lòng chi trả còn cao hơn giá trị thật của nông sản vốn có, đó là giá trị do thương hiệu tạo ra.
Các sản phẩm nông nghiệp ở đây bao gồm cả sản phẩm ở dạng thô như luá, thóc, lợn, gà, v.v cho đến sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến như bánh tráng, thịt hộp, rau, quả đóng gói, v.v. Thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay được phân ra hai khu vực chủ lực: nội địa và xuất khẩu. Trong mỗi khu vực, nông sản Việt Nam có được một chỗ đứng khác nhau. Đối với thị trường trong nước, nông sản thô Việt Nam phân tán trong một dải rộng.
Có những sản phẩm đã hình thành thương hiệu và từng bước được đón nhận như chè San Tuyết, mắm Phú Quốc, gạo Nàng Thơm, rượu Bàu Đá, … Nhưng phần lớn, các sản phẩm nông sản chỉ hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng như những món hàng cơ bản thay vì một một niềm tin gắn liền với người sản xuất, gắn liền với địa danh nơi nông sản được sản xuất ra. Đối với nông sản chế biến, chỉ một số doanh nghiệp chế biến nông sản tạo được thương hiệu như Vissan, Trung Nguyên, Vinamilk, …
Đối với thị trường xuất khẩu, thương hiệu nông sản lại càng hiếm hoi hơn. Phần lớn, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đem ra thế giới với những sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp và đa phần chịu lép vế so với nông sản từ các quốc gia khác. Có thể thấy qua những yếu thế giữa cà phê Việt Nam so với cà phê Brazil, Columbia, gạo Việt Nam so với gạo Thái, … Chính vì phần lớn nông sản Việt Nam chưa tạo được thương hiệu mạnh nên giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp.
Nông dân Việt Nam vẫn chỉ hưởng được phần giá trị thấp trong phân khúc sản phẩm thô, thay cho phần có giá trị gia tăng cao lẽ ra nên có nếu đầu tư thích đáng và đúng hướng vào việc xây dựng thương hiệu nông sản.
Vậy đâu là điểm mấu chốt của vấn đề?
Điểm trước hết và quan trọng nhất. Thương hiệu phải là cam kết về độ ổn định chất lượng. Đây là điểm yếu số một của nông sản Việt Nam. Với nền nông nghiệp sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng, quy trình sản xuất, canh tác còn thô sơ, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn rất thủ công, thiếu vắng những ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản.
Điểm yếu cơ bản thứ hai chính là công đoạn tạo ra các giá trị cộng thêm, đặc biệt là tính chuyên biệt trong sản phẩm cho từng phân khúc nhu cầu riêng biệt và những đầu tư cần thiết cho mẫu mã, bao bì, thời hạn giao hàng, tính chuyên nghiệp trong truyền thông, đối thoại với người tiêu dùng. Sự đơn điệu trong chủng loại sản phẩm, nhàm chán trong hình thức thể hiện và thiếu tính thẩm mỹ đã làm cho nông sản Việt Nam không tạo được sức mạnh trong việc lôi cuốn nhu cầu sử dụng và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác. Trong nền kinh tế cạnh tranh, các giá trị cơ bản như chất lượng, an toàn, ổn định, … dần trở thành giá trị bắt buộc. Điểm khác biệt bắt đầu phải hướng đến tính độc đáo, tính thẩm mỹ, canh tác xanh (không tác hại đến sức khoẻ và môi trường), …
Điểm yếu kém cuối cùng nằm ở quy mô sản lượng. Phần lớn nông sản Việt Nam chưa đi vào quy mô sản xuất hàng hoá nên sản phẩm thiếu tính đồng đều, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, quy mô sản lượng thường không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho những đơn hàng lớn và ổn định.
Từ những nhìn nhận trên, để nông sản Việt Nam hình thành những thương hiệu uy tín, thiết nghĩ cần phải:
1. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm kết nối giữa nhà sản xuất (nông dân) với người tiêu dùng, dưới sự hỗ trợ của các trung tâm khoa học, các định chế tài chính dưới một chiến lược tầm quốc gia cho nông thôn, nông nghiệp, nông dân.
Cần nói thêm vai trò của doanh nghiệp trong mô hình này. Trước hết, doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh, do vậy, về bản chất là một thực thể hướng lợi nhuận. Doanh nghiệp phải cạnh tranh để giành lấy nguồn lực từ các định chế tài chính trong hàng trăm, hàng ngàn đối thủ cạnh tranh nên có động cơ cao nhất để hướng đến hiệu quả.
Cũng vì hướng đến hiệu quả, nên doanh nghiệp sẽ biết chọn lựa và sàn lọc để tiếp cận những ứng dụng khoa học đích thực, hiệu quả nhất.
Và quan trọng hơn cả, chỉ có doanh nghiệp, vì sự sinh tồn mới sâu sát và nỗ lực cao nhất thực thi quy trình sàng lọc, tuyển chọn, uốn nắn giai đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với mong đợi người tiêu dùng.
2. Tích tụ ruộng đất là quá trình bắt buộc để hiện đại hoá nông nghiệp và đưa nông nghiệp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
3. Chú trọng đặc biệt vào công nghệ sau thu hoạch, công nghệ xanh để hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
4. Tích cực tuyên truyền, và truyền thông chuyên nghiệp để kích thích sức mua nội địa tạo nền tảng cho thương hiệu nông sản Việt ra trường quốc tế.
HCM oct 30th 2008
Đoàn Đình Hoàng
Comments
Post a Comment