Ngày 18/2 vừa rồi, một hội thảo về tiếp thị quy mô diễn ra ở khách sạn New World Sài Gòn. Hội thảo quy tụ hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp và những chuyên gia tên tuổi trong làng tiếp thị Việt Nam và thế giới. Chủ đề của hội thảo năm nay là nói về “Tập trung và khác biệt”. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thông báo lỗ do hậu quả của việc đầu tư dàn trải, đầu tư lệch xa khỏi sức mạnh cốt lõi của doanh nghiệp càng làm cho nội dung thảo luận thêm nóng bỏng.
Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, nếu không tạo ra đặc trưng khác biệt so với sản phẩm cùng loại, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ rất khó có cơ may tăng trưởng, càng rất khó để nói đến tăng trưởng bền vững. Khác biệt, hoàn toàn rất cần thiết cho lĩnh vực nông sản Việt Nam. Mặc dầu, nông sản là một lĩnh vực rất khó để tạo ra sự khác biệt. Nếu Việt Nam sản xuất được lúa gạo, hồ tiêu, trà thì Thái Lan, Cambodia, Ấn Độ cũng sản xuất ra những sản phẩm tương tự. Khó, không có nghĩa là không thể tạo ra đặc trưng khác biệt.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, khác biệt hoá tập trung vào khác biệt về mặt lý tính như chất lượng, độ bền, mẫu mã, kiểu dáng, công dụng, … hay về mặt cảm xúc như sang trọng, thành đạt, tinh tế, mạnh mẽ, … và đỉnh cao là những thương hiệu sản phẩm tạo nên biểu tượng của cuộc sống, của một nhóm người, của một cộng đồng xã hội. Xe máy Honda được người tiêu dùng đánh giá là bền, có độ tin cậy cao hơn sơ với các sản phẩm cùng loại. Đậy là một dạng khác biệt về mặt lý tính. Đi xe Mercedes cho người sử dụng cảm giác sang trọng, uống bia Heineken cho cảm giác thành đạt là những ví dụ về khác biệt cảm xúc. Đỉnh cao của khác biệt chính là các thương hiệu tạo dựng được cho mình những biểu tượng. Biểu tượng càng rộng rãi, thương hiệu càng có sức sống mãnh liệt. Sở hữu một chiếc Mô tô Harley Davidson, độ những kiểu xe không giống ai, ngập tràn trong tiếng máy ồn ào cho người cưỡi Harley một biểu tượng của phóng khoáng, của tự do, của niềm đam mê cuộc sống. Chính vì vậy, cho dù giá cả có cao hơn Suzuki, thiết kế có vẻ không được trau chuốt như Honda, tiếng pô hầm hố hơn Yamaha, thì Harley vẫn là một biểu tượng của rất nhiều người.
Trong lĩnh vực nông sản, để tạo ra những khác biệt về mặt lý tính là điều có thể làm được bằng kỹ thuật canh tác, bằng lai tạo giống, bằng chế độ chăm sóc, … Tuy nhiên, đây là điểm khó vì người tạo ra sản phẩm cũng chỉ tạo được những phần thặng dư không nhiều trên chi phí gia tăng đầu tư để tạo ra chất lượng vượt trội. Khác biệt cần chú ý đặc biệt trong lĩnh vực nông sản chính là khác biệt tạo ra từ thổ nhưỡng, điều kiện về địa lý. Thường được gọi là chỉ dẫn địa lý. Hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến gạo năng thơm chợ Đào, Trà Thái Nguyên, Nho Ninh Thuận, Mắm Phú Quốc, Nem Ninh Hoà, Gà Quảng Ngãi, ….
Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý bên cạnh việc đăng ký bảo hộ còn rất cần được quản lý tập trung một cách khoa học để bảo tồn và gia tăng giá trị cho sản phẩm thuộc vùng địa lý chỉ dẫn. Một kiểu khác biệt hoá nữa trong nông nghiệp cũng rất nên xem xét chính là việc gắn cho sản phẩm những tác giả nông dân cụ thể, những truyền thuyết đượm màu dân gian sẽ có sức sống mãnh liệt. Nho Ba Mọi, Bưởi Năm Roi, Trà Trảm mã, Rượu Minh Mạng, Cà phê Chồn, v.v là những ví dụ cho hình thức khác biệt hoá này.
Hy vọng, với những thông tin gợi mở này, các địa phượng, các doanh nghiệp, nhà nông chúng ta có thể tạo ra những thương hiệu nông sản có giá trị gia tăng cao và phá triển bền vững.
Sài Gòn, Feb 21st 2009
Đoàn Đình Hoàng
NCS AIT – Tư vấn thương hiệu
(Tựa bài mượn tên cuốn sách Differentiate or Die là tựa một cuốn sách của Jack Trout.)
Comments
Post a Comment