Trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp hướng xuất khẩu mới giật mình hướng về thị trường nội địa. Nông thôn lại là một thị trường có quy mô dân số lớn tại nội địa. Tuy nhiên, để thực sự có chỗ đứng ở thị trường nội địa cũng không dễ dàng, cho dù doanh nghiệp có thế mạnh trong xuất khẩu.
Hoạt động của một doanh nghiệp, muốn toàn vẹn phải được đặt trên hai cột trụ là sản xuất và kinh doanh (có thể khác chút ít nếu là doanh nghiệp thương mại).
Nói đúng hơn, đó là hai quá trình của một chu trình kinh doanh:
(1) tạo ra sản phẩm (sản xuất, mua hàng hay nhập khẩu, v.v)
và (2) bán sản phẩm (đã tạo ra trước đó) hay kinh doanh.
Rõ ràng, các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu trước đây, thực ra chỉ giống như xe chỉ chạy trên một bánh. Phần lớn, chúng ta xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu hay gia công sản phẩm dưới thương hiệu của người khác. Yêu cầu chính yếu của giai đoạn này là năng lực sản xuất mạnh, có thể hạ giá thành, có thể cung cấp với số lượng lớn, có thể sản xuất theo những yêu cầu riêng biệt của người đặt hàng, có lực tài chính để dự trữ nguyên liệu, …
Nói chung, chỉ cần doanh nghiệp mạnh về tài chính, hoạt động lâu năm trong ngành, có kinh nghiệm thì phần lớn sẽ đạt được yêu cầu về năng lực sản xuất.
Trong khi đó, khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp buộc phải kiện toàn công đoạn bán sản phẩm. Đây lại là công đoạn có phần thách thức hơn vì một lẽ rất hiển nhiên, công đoạn bán hàng chiếm một tỷ trọng cao hơn trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp cho dù có lực tài chính, có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất vẫn khó có thể làm tốt công đoạn bán hàng.
Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ năng về quản trị chuyên nghiệp. Nền tảng là những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu khách hàng, năng lực thiết kế, kiểu dáng, bao bì, tổ chức hoạt động phân phối, các hoạt động tiếp thị, quảng bá chuyên nghiệp.
Đây thực sự là một thách thức cho doanh nghiệp và quan trọng nhất là không thể gặt hái kết quả ngay được.
Xin được nêu ra một số gợi ý cho doanh nghiệp muốn hoàn thiện bánh xe thứ hai của mình như sau:
1. Phải ý thức được rằng bán hàng là một công đoạn khó và đòi hỏi những kỹ năng quản lý riêng, khác biệt nhiều so với công đoạn sản xuất;
2. Phải đầu tư thích đáng cho việc “thấu hiểu” (hiểu biết sâu sắc và đầy đủ) người tiêu dùng ở môi phân khúc cụ thể;
3. Phải xây dựng mạng lưới phân phối riêng cho thị trường nội địa và có lực lượng kinh doanh tương ứng với tham vọng chiếm lĩnh thị trường và năng lực tài chính của doanh nghiệp;
4. Hoạt động tiếp thị thực sự đòi hỏi tiền và tính cam kết mạnh mẽ;
5. Thuê tư vấn là điều nên làm để rút ngắn thời gian và đỡ phải trả giá cho những sai lầm.
TP HCM, 15/3/2009
Đoàn Đình Hoàng
Comments
Post a Comment