(Bài viết hình thành nhân đọc Diễn đàn Quay về thị trường trong nước của TB KTSG)
Xem thêm tại địa chỉ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/16560/
Vài ý kiến về việc quy về thị trường trong nước:
1. Về chuỗi giá trị: giá trị tạo ra là do tương quan cung cầu.
Đúng là nếu thuê thợ Ý may giày thì giá sẽ cao hơn thợ Việt Nam rất nhiều nhưng chắc chắc cũng thấp hơn chi phí thiết kế vì một lẽ đơn giản: việc đào tạo ra một nhà thiết kế khó hơn, lâu hơn, mất nhiều chi phí hơn và cần những điều kiện cần thiết khác (như năng khiếu thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, ...) so với tạo ra một người thợ may giày.
Phân phối, tiếp thị lấy nhiều giá trị hơn sản xuất vì công đoạn này khó hơn, rủi ro hơn nên ít người làm. Sản xuất dễ làm hơn nên nhiều người làm. Nhiều người làm thì giá phải thấp xuống. Cứ có tiền mua công nghệ, thuê nhân công, mở nhà xường là có thể tạo ra sản phẩm. Nhưng cho dù có tiền thuê công ty quảng cáo, công ty thiết kế, ký gửi hàng cho đại lý thì hàng cũng chưa chắc bán được. Đó chính là sự khác biệt giữa các công đoạn dựa trên cung-cầu.
2. Thị trường trong nước, thị trường nước ngoài:
Khi phân biệt thị trường trong nước thị trường nước ngoài, chắc hẳn không chỉ là sự phân biệt về ranh giới địa lý. Khi nói về thị trường, ta cần phân tích thêm các thuộc tính của thị trường như: khách hàng, sức mua, nhu cầu, hành vi mua, ... thì thị trường mới có ý nghĩa trong hoạt động kinh doanh. Nếu nhìn thị trường là người có khả năng mua hàng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đi đến phá sản vì sẽ sản xuất và bán hàng thế nào? Xin nêu ví dụ: nếu một doanh nghiệp sản xuất áo sơ mi và chọn khách hàng của mình là bất kỳ ai có nhu cầu mặc áo sơ mi và đủ tiền mua thì chắc chắn sẽ phá sản vì làm sao có thể biết cần sản xuất bao nhiêu, áo sơ mi màu gì, bán với giá bao nhiêu, bán ở đâu, bán khi nào, may kiểu gì, ...
Do vậy, khi nói về thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, có lẽ chúng ta ngầm hiểu là một cách nói về phân đoạn thị trường. Những đặc trưng về kiểu dáng, thời trang, chất lượng, phân phối, giá cả v.v. đều có sự khác biệt với thị trường quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp khi muốn gia tăng lượng bán tại thị trường Việt Nam thì cần phải có những đầu tư cần thiết về thiết kế, mẫu mã, chất liệu, hoa văn, phân phối, tiếp thị v.v. để đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam.
3. Một điểm nữa cần trao đổi thêm chính là sức mua
Đồng ý là với 86 triệu người Việt Nam, mỗi năm chỉ mua có 2 áo/người thì chưa chắc đã bằng 3 triệu người Mỹ mỗi năm mua đến 60 áo/người. Tuy nhiên, để người Mỹ mua 60 áo/người/năm, các nhà sản xuất, các cửa hàng thời trang luôn luôn khơi gợi nhu cầu mua sắm cho người tiêu dùng (mẫu mới được giới thiệu hàng ngày trên truyền thông, các chương trình khuyến mãi, sales off liên tục tung ra, các tổ chức thiện nguyện làm rất tốt việc thu hồi áo cũ chỉ mới vài lần giặt, ...). Nói rộng hơn, phía cung luôn luôn nỗ lực đáp ứng mọi nhu cầu, thoả mãn tối đa phía cầu và thậm chí còn dẫn dắt tạo ra nhu cầu.
Việt Nam là nước có tỷ lệ tiết kiệm trong GDP (Savings/GDP) thuộc nhóm cao của khu vực và thế giới. Nhìn hiện tượng các hãng điện máy phải bán cả các LCD trưng bày trong những ngày 26, 27 Tết vừa qua để hình dung vấn đề sức mua nội địa. Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa đã làm gì? Có bao nhiêu mẫu áo mới được tung ra trong năm, có bao nhiêu chương trình quảng cáo, kích thích nhu cầu mua của người tiêu dùng nội địa, người tiêu dùng nội địa đã hài lòng chưa để móc hầu bao, v.v. và v.v.
Nếu bạn đã một lần đi Trung Quốc hay Thái Lan, hẳn có đôi khi hoặc đã gặp tình cảnh chi tiêu đến đồng tiền cuối cùng cho dù nhiều khi món hàng mua về có chất lượng không hơn món hàng tương tự mua tại Việt Nam. Xin hãy chăm chút cho thị trường nội địa thay vì chê miếng bánh nhỏ. Sẽ không hề nhỏ khi Unilever đã có Omo làm mưa gió ở Việt Nam lại còn tung thêm ra Surf.
4. Mạng lưới phân phối ở Việt Nam:
Đồng ý nếu nói có hay không có sẽ rơi vào cực đoan. Tuy nhiên, tự bạch của một cựu bộ trưởng Thương mại là đáng để suy ngẫm cho người đương chức. Ông ấy tiếc là phải. Một hệ thống phân phối mạnh giúp nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hiện diện sâu rộng nơi có nhu cầu tiêu thụ. Đúng là ta có thể mua bịch xà phòng Surf trên núi cao Lũng Cú hay làng sâu U Minh. Nhưng đó là Surf, một loại xà phòng giá rẻ của Unilever. Tại sao không là Daso, là Net?
Với vai trò cao nhất phụ trách vấn đề liên quan, rõ ràng chúng ta thực sự hối tiếc. Giá mà chính sách tín dụng cho phân phối được xem xét sớm hơn, giá mà hệ thống mậu dịch (đã từng len lỏi được đến từng hang cùng ngõ hẻm) vận hành lại với một cơ chế mới để hỗ trợ phân phối cho doanh nghiệp Việt Nam, giá mà các trung tâm phân phối (distribution center) được thành lập bởi các doanh nghiệp mạnh với sự hỗ trợ về mặt bằng, v.v. Người viết cho rằng, có vô số việc mà ngài cựu bộ trưởng phải hối tiếc để Việt Nam chiếm phần chủ động trong phân phối hầu giúp doanh nghiệp Việt Nam có điểm tựa trong cuộc cạnh tranh thời toàn cầu hoá. Giá mà, người đương nhiệm cũng biết tự vấn mình và bắt tay ngay vào việc cho dù có khó khăn hơn và thách thức hơn.
Đoàn Đình Hoàng
Mar 18th 2009
Comments
Post a Comment