Những ngày gần đây, nông thôn - nông nghiệp Việt Nam nóng lên với hàng loạt thông tin, chính sách, chương trình từ kích cầu đến hỗ trợ nông dân, đầu tư cho nông nghiệp. Đây là những dấu hiệu có tính cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, của cộng đồng cho nông nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó là những khó khăn của thị trường xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt càng là động cơ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa thị trường nội địa vào tầm ngắm.
Là người từng tư vấn lâu năm và gắn bó với doanh nghiệp và thị trường nông thôn, xin được đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường nông thôn:
1. Việc thâm nhập thị trường nông thôn phải được doanh nghiệp nhìn nhận dưới góc độ chiến lược thay vì chiến thuật. Sẽ khó có thể chiếm lĩnh thị trường nông thôn trong thời gian ngắn vì địa bàn phân tán, sức mua yếu và có hành vi tiêu dùng khác so với thành thị. Với cách nhìn này, doanh nghiệp sẽ cam kết mạnh mẽ họn cho hoạt động đầu tư và nhìn vào một kết quả dài hạn hơn để giảm áp lực lên mặt trận xuất khẩu thay vì chỉ chăm bẵm doanh số bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu trong tháng tới ở nông thôn.
2. Nông thôn Việt Nam vẫn còn là khu vực có sức mua thấp, các hàng hoá lựa chọn vẫn theo quan điểm bền, rẻ, đẹp. Doanh nghiệp cần chú ý đặt biệt đến chất lượng hàng hoá, không quá đầu tư về hình thức để có thể tiết giảm giá thành nhằm bán ra với mức giá vừa túi tiền người nông dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chú ý tập quán nông thôn vào những sự kiện Giỗ, Chạp, Lễ lạt để có thể tung ra những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tâm lý của người nông dân xem trọng những mối quan hệ hiếu hỉ và phô trươn trong dịp Lễ, Tết.
3. Mạng lưới bán hàng nông thôn cần phải dựa trên các chợ đầu mối và mạng lưới thương lái (thường được gọi là Chành) để đảm bảo hàng hoá được phủ sâu rộng trong mọi ngóc ngách tiêu thụ nhưng không quá nặng chi phí đầu tư mạng lưới phân phối. Tuy nhiên, về lâu dài, việc hình thành mạng lưới bán hàng chủ động, các trung tâm phân phối tại các vị trí huyết mạch của Việt Nam là điều phải làm để đảm bảo hệ thống hàng hoá - tiền lưu chuyển thông suốt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc hình thành mạng lưới bán hàng chủ động còn giúp doanh nghiệp lắng nghe được tín hiệu thị trường, những mong đợi tư người tiêu dủng để có giải pháp đúng với phân khúc tiêu dùng này.
4. Với người nông dân, mua sắm còn là một cơ hội để tham gia các hoạt động giải trí, thư giãn sau những ngày lao động vất vả. Những buổi chợ rất thú vị với nhà nông khi được góp mặt với thị trường bằng nải chuối, buồng cau và đổi lại là một vòng mua sắm những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, và thưởng thức những sinh hoạt văn hoá, giải trí là điều tuyệt vời. Cũng không có gì lạ khi Hội chợ HVNCLC năm nào cũng tổ chức, tại thành phố thì việc phấn khích đi mua sắm dường như giảm sút nhiều, thỉ với các Hội chợ tổ chức ở tỉnh vẫn còn là ngày hội của người mua sắm, cảnh người người chen vai, khệ nệ bưng vác vẫn còn là niềm vui sướng. Thật chẳng khác mấy so với thời Nguyễn Bính: "Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ, ...". Đây là một tâm lý các nhà kinh doanh và tiếp thị nên để ý. Các hoạt động road show, kích hoạt tiêu dùng vẫn còn là mảnh đất hiệu quả cho công tác bán hàng ơn nông thôn.
5. Nông thôn Việt Nam thấm đẫm tình người, tình làng. Những thông điệp tiếp thị hãy giảm bớt tính nghi thức, sự cầu kỳ, ngôn ngữ xa lạ. Hãy hiểu, hãy sống thật lòng, hãy chân tình với người nông dân, chắc chắn một khi tình cảm đã được thiết lập, doanh nghiệp sẽ được đền bù.
6. Điều cuối cùng, muốn bán hàng thị trường cần phải có sức mua. Từng doanh nghiệp, hãy thực sự đưa lên bàn thảo luận về các yếu tố đầu vào một cách nghiêm túc nhất. Rất có thể gạo Việt Nam không có giá rẻ như gạo Thái, cafe Việt Nam không danh tiếng bằng cafe Brazil, thuỷ sản Việt Nam còn chưa ổn định về chất lượng, thịt heo nông dân nuôi có giá cao, v.v và v.v. Nhưng xin hãy thật lòng phát đi tín hiệu, phát đi cam kết sẽ sử dụng nông phẩm do người nông dân tạo ra. Tất nhiên với những tiêu chuẩn cao hơn, khắc khe hơn, giá cả cạnh tranh hơn, v.v. Vâng. Nhưng xin hãy phát đi một tín hiệu, một thiện chí, hãy nuôi dưỡng nguồn thu này vì sự vững bền của chính doanh nghiệp mình và vì sự tương lai của một nước Việt Nam thịnh vượng.
HCM, 10/04/2009
Đoàn Đình Hoàng,
NCS AIT
Chuyên gia tư vấn thương hiệu
Comments
Post a Comment