Một tin ngắn trên Tuổi Trẻ: “Mặc dù trái cây Lái Thiêu đang vào mùa nhưng lượng khách du lịch vào các vườn khá ít. Nguyên nhân là do tình trạng kinh doanh kiểu “chặt chém” thời gian qua đang làm mất dần thương hiệu trái cây Lái Thiêu.” gợi cho chúng ta nhiều điều.
Thương hiệu Lái Thiêu mất hàng vài chục năm để hình thành nhưng nếu không khéo giữ thì rất dễ mất. Thương hiệu xây dựng rất khó, giữ thương hiệu còn khó hơn. Những vùng đất du lịch danh tiếng của Việt Nam như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, nếu cứ đến mùa du lịch là “chặt chém” thì có lẽ cũng sẽ đi vào vết xe đổ của Lái Thiêu một ngày không xa.
Những người kinh doanh thiếu uy tín, chụp giựt lúc mới ra đời do không được chế tài mạnh bởi luật pháp và đạo đức thì lúc mới hình thành chỉ là thiểu số nhưng sẽ nhanh chóng trở thành đa số. Khi sự chụp giựt, lừa đảo là đa số thì thiệt hại là không chỉ cho cá nhân mà cả cho một cộng đồng, một vùng và cả một quốc gia.
Để tránh bài học “Lái Thiêu” cần một hệ thống thiết chế mạnh đủ để răn đe, dẹp bỏ ý nghĩ xấu và hành vi xấu ngay khi mới nhen nhúm hình thành. Sự can thiệp của luật pháp là cần thiết nhưng giáo dục các giá trị chân chính cũng không thể xem nhẹ.
Tổ hợp tác, hợp tác xã, xóm, nhóm nông hộ cần hình thành trên cơ sở tự nguyện để có sức mạnh xây dựng uy tín, và chia sẻ khó khăn khi tiếp cận với thị trường và chiến đấu chống lại những cá nhân kinh doanh thiếu uy tín, thiếu trung thực.
Các nông hộ, hãy dám can đảm lựa chọn cách kinh doanh tôn trọng uy tín. Uy tín không thể hình thành chỉ trong vài ngày, vài mùa trái, vài vụ tôm. Nhưng uy tín cũng luôn được nhận ra và sàng lọc trong cơ chế thị trường và bối cảnh thông tin tràn ngập. Một hộ biết giữ uy tín thì cũng sẽ có thêm nhiều hộ biết giữ uy tín. Hãy để cái tốt đẹp, cái uy tín được bồi đắp và thương hiệu sẽ đến.
HCM, 5/6/2009
Đoàn Đình Hoàng
Comments
Post a Comment