Lịch sử quân sự Việt Nam cũng đã cho thấy sự thành công của đường lối chiến tranh du kích. Từ ngày đầu khởi binh chỉ với quân số vài chục người trong rừng núi Lam Sơn, sau mười năm Lê Lợi đã quét sạch quân xâm lược Minh với quân số đông gấp vạn lần ra khỏi bờ cõi. Một chiến thắng lẫy lừng đến nỗi Tướng giặc dù được cấp ngựa cho về nước “vẫn tim đập chân run”. Nguyễn Trãi đã tổng kết thành tựu chiến tranh du kích chống Minh trong Bình Ngô Đại Cáo với các thông điệp mang tính chân lý: “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn”. Sử sách còn ghi kỹ thuật tạo chữ trên lá cây, Nguyễn Trãi đã thổi vào cuộc chiến không không cân sức ở thời điểm khởi đầu một niềm tin thắng lợi.
Ngày nay, khoa học quân sự đã được ứng dụng nhiều trong kinh doanh. Năm 1984, Jay Conrad Levinson, lần đầu tiên đưa ra khái niệm Tiếp thị kiểu du kích trong cuốn sách Guerila Marketing và đã được hưởng ứng mạnh mẽ với trên 14 triệu bản bán ra và được dịch ra 41 thứ tiếng để nói về cách làm tiếp thị với hiệu quả cao bằng một ngân sách khiêm tốn. Tiếp thị du kích lấy nền tảng là cách suy nghĩ vượt ra các khuôn khổ chuẩn mực.
Mục tiêu cao nhất là tạo ra những yếu tố bất ngờ với những phương cách khác lạ (chưa từng quy ước) làm cho đối tượng tiếp xúc phải ngạc nhiên, thậm chí gây sốc mà nhớ về sản phẩm, về thương hiệu của doanh nghiệp. Tiếp thị du kích coi trọng sự mai phục để có thể gây bất ngờ đối thủ cạnh tranh nhằm giành phần thắng. Tiếp thị du kích cũng không thể bỏ qua cách gầy dựng niềm tin, sự đồng cảm, sự chia xẻ trong khách hàng, trong xã hội bằng các giá trị cao cả mà doanh nghiệp theo đuổi.
Ngày nay, không chỉ doanh nghiệp nhỏ mới sử dụng lối tiếp thị du kích mà ngay cả những thương hiệu hàng đầu như Sony, Apple, Adidas cũng lựa chọn cách tiếp thị này. Tại Việt Nam, Vinamít với nỗ lực mang lại giá trị gia tăng cho nông dân, cà phê hoà tan G7 trong chiến dịch xây dựng thương hiệu nông sản, Tân Hiệp Phát với “lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam” là một số ví dụ điển hình về cách thức tiếp thị du kích.
Tiếp thị du kích thực sự là một kỹ thuật mà các doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Để thực hiện kiểu tiếp thị du kích, cần chú ý các đặc trưng sau:
1. Lấy sự độc đáo và khác lạ làm yếu tố nền tảng thay cho tiền bạc;
2. Hãy lựa chọn (hay vận dụng) các mục tiêu phù hợp với văn hoá Việt Nam và các giá trị xã hội để nhận sự cộng hưởng của xã hội;
3. Tin đồn và sự lan truyền trên internet là những kỹ thuật thích hợp cho kiểu truyền thông du kích;
4. Kiên trì là yêu cầu bắt buộc của loại tiếp thị này. Hãy cứ đi, tất đến.
Nếu phải nói điều duy nhất về tiếp thị du kích, thì đó là lối tiếp thị không dựa trên bất kỳ quy tắt nào. Hãy sử dụng bất kỳ điều gì mà doanh nghiệp cho rằng là độc đáo, ít tiền và hẳn nhiên là phù hợp luật phát để tiếp thị cho doanh nghiệp mình.
TP HCM, ngày 10/8/2009
Đoàn Đình Hoàng
Chuyên gia thương hiệu
Brand Ascend Consulting
Comments
Post a Comment