Tháng 9/2009 Ngân hàng thương mại quốc tế VIB công bố ra mắt chiến lược thương hiệu mới. Sẽ chỉ là một sự kiện bình thường trong xây dựng thương hiệu nhưng điều đáng nói là VIB đã lựa chọn một trong những tổ chức tư vấn thương hiệu tầm cỡ quốc tế xây dựng chiến lược cho mình và dự án khởi đầu vào thời điểm khó khăn nhất của ngân hàng, năm 2008, với số tiền không nhỏ. Qua đó cho thấy cam kết mạnh mẽ của VIB trong việc xây dựng cho mình một lộ trình cạnh tranh mạnh mẽ khi ngành ngân hàng hội nhập sâu vào thế giới.
Cũng trong năm 2008, các ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, Commonth Wealth, May Bank, UFO, … cũng có sự gia tăng nỗ lực vào Việt Nam thông qua các hình thức khác nhau như cho vay vốn trực tiếp các dự án, các khách hàng đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, thông qua nâng tỷ lệ sở hữu tại các định chế tài chính của Việt Nam lẫn việc mở chi nhánh mới. Cuộc đua trong thị trường Ngân hàng ngày càng nóng hơn và áp lực không nhỏ đè lên các ngân hàng nội địa.
Thế mạnh lớn nhất của khối ngân hàng nước ngoài là hoạt động ngoại tệ. Số liệu thống kê đến cuối tháng 7/2009, khối ngân hàng nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 30% dư nợ tính theo USD, vượt khối NHTM Nhà nước (27,37%) và thấp hơn khối NHTM Cổ phần (36,9%). Mặc dù mức tăng dư nợ và số dư nợ ngoại tệ cao nhưng chất lượng tín dụng của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn rất tốt, nợ không đủ tiêu chuẩn của khối này chỉ chiếm tỷ trọng xấp xỉ 1% trên tổng nợ ngoại tệ. Khách hàng vay vốn ngoại tệ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các dự án đầu tư nước ngoài mới ở Việt Nam còn có cả những dự án tăng vốn. Số vốn đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện tại Việt Nam có tỷ trọng lớn là vay tại chính từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nguồn khách hàng kế đến là các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhưng đều là khách hàng có uy tín, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thị trường tiêu thụ bền vững. Số vốn USD này của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng nguồn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, dư nợ tiền đồng khối NHNN còn rất khiêm tốn so với quy mô tín dụng tại Việt Nam. Việc mở rộng tín dụng bằng tiền đồng cũng còn là một thách thức đối với các ngân hàng có vốn nước ngoài do các hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ, điều kiện mở chi nhánh và điểm giao dịch lẫn sự hiểu biết về khách hàng nội địa và đặc biệt là mức giá, phí cung cấp dịch vụ.
Cũng chính vì những lý do trên, các ngân hàng nước ngoài chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng dự án và là bạn hàng hoạt động tầm xuyên quốc gia chứ không quá vội vàng mở chi nhánh hay điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu tín dụng và nghiệp vụ ngân hàng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trong nước. Với trải nghiệm hàng trăm năm trong nền kinh tế thị trường và kinh nghiệm hoạt động khắp thế giới, Ngân hàng nước ngoài có ưu thế vượt trội về thương hiệu, công nghệ, mạng lưới toàn cầu, tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính, tính đa dạng của sản phẩm và đội ngũ nhân lực có chuyên môn sâu. Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng trong nước thông qua mạng lưới rộng khắp và có giá thành phù hợp với người tiêu dùng nên vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hiện nay. Ngoài ra, các ngân hàng trong nước cũng đã chú ý đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu, thông qua hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để tiếp cận công nghệ quản lý, kinh nghiệm quốc tế của đối tác để từng bước hoàn thiện mình. Những cái tên như ACB, BIDV, Sacombank, MB, Đông Á, … hiện diện ngày càng nhiều trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trong đời sống người dân thông qua hàng loạt sản phẩm dịch vụ như tiền gửi, cho vay tiêu dùng, thanh toán, … Mạng lưới giao dịch của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam ngày càng dày đặc và mang dáng vẻ hiện đại, chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Các ngân hàng Việt Nam cũng chú ý nhiều đến việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu thông qua việc đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động tiếp thị. Công cụ tiếp thị cũng được sử dụng đa dạng và chuyên nghiệp hơn từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, các chương trình PR hướng đến cộng đồng, các hoạt động tài trợ, tung sản phẩm, dịch vụ mới, khai trương chi nhánh, phòng giao dịch, các chương trình khuyến mãi, cung cấp giá trị gia tăng cho người dùng, … Phần lớn các ngân hàng đều thiết kế cho mình hình ảnh nhận diện mới, hiện đại và chuyên nghiệp hơn, các ấn phẩm quảng cáo được chăm chút kỹ lưỡng, đa dạng và bắt mắt hơn. Là một ngành dịch vụ, các ngân hàng ngày nay chú trọng rất nhiều vào đội ngũ nhân lực và dịch vụ khách hàng. Khách hàng được chăm sóc tận tình và tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn trong một không gian thoả mái hơn là một bước tiến vượt bậc trong nỗ lực tiếp thị của các ngân hàng trong nước. Ngày nay, bên cạnh loại hình ngân hàng 24h, người tiêu dùng có thể giao dịch với ngân hàng Việt Nam cả vào sáng thứ Bảy cũng tạo ra sức cạnh tranh đáng kể với ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Nhìn chung, trong chính sách 4 P của marketing, các ngân hàng trong nước đang có lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch, phí dịch vụ. Các hoạt động khuyếch trương thương hiệu tuy đã chú ý thực hiện nhưng vẫn còn rời rạc, thiếu tính nhất quán và không rõ ràng trong thông điệp. Trong cuộc đua hướng đến khách hàng, ngân hàng trong nước đặc biệt phải chú trọng đến các loại hình sản phẩm dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong phục vụ và đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro. Chỉ khi hoàn thiện được năng lực cạnh tranh thông qua chỉ số xếp hạng quốc tế, các ngân hàng trong nước mới có cơ hội tham gia một cách song phẵng vào thị trường tài chính ngân hàng với các ngân hàng nước ngoài.
Những vấn đề các ngân hàng Việt Nam cần quan tâm chính là:
1. Xây dựng chiến lược thương hiệu để có định hướng theo đuổi lâu dài và chuyển tải được định vị riêng của doanh nghiệp. Trong chiến lược thương hiệu, việc lựa chọn phân khúc khách hàng, các năng lực cốt lõi cần xây dựng để phục vụ cho phân khúc khách hàng đó là điểm nhấn cần lưu ý. Các hoạt động truyền thông thương hiệu cần linh hoạt và sáng tạo để có thể khai thác tốt lợi thế sân nhà nhưng cũng thể hiện đẳng cấp của thương hiệu;
2. Cần nhanh chóng chuẩn hoá hệ thống quản trị ngân hàng theo hướng hiện đại và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là phải có những phân tích sâu vào cấu trúc lợi nhuận, chi phí và đánh giá đúng năng lực từng loại sản phẩm, dịch vụ cũng như nguồn nhân lực của từng bộ phận;
3. Các hoạt quản trị rủi ro hiện nay chỉ mới dừng lại ở rủi ro về pháp lý, tín
dụng, thị trường. Quản trị rủi ro cần quan tâm hơn đến các rủi ro về công nghệ thông tin, rủi ro khi thực hiện giao dịch, rủi ro về sự cố tại trụ sở NH mà NH phải ngưng họat động, chưa có công cụ để định giá tổn thất khi rủi ro xảy ra & không có hệ thống đánh giá rủi ro một cách thường xuyên. Các tổn thất về rủi ro chưa được lưu trữ thành cơ sở dữ liệu hoặc công khai chia xẻ với nhân viên hoặc các chi nhánh khác.
4. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển thì cần chú trọng đặc biệt vào việc đào tạo, huấn luyện, và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên. Các nhân viên ngân hàng không chỉ thông về nghiệp vụ mà còn phải trang bị kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo. Năng lực giao tiếp, kinh doanh nghiệp vụ bằng tiếng Anh cũng là một đòi hỏi cấp bách để ngân hàng chủ động hội nhập sâu vào thị trường tài chính, ngân hàng thế giới và có thể bước sang phân khúc khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam, …
5. Về sản phẩm và dịch vụ, ngân hàng cần chú trọng hơn nữa vào việc tạo ra các sản phẩm mang tính thanh khoản và cung cấp nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng như quản trị đầu tư và hình thức ngân hàng điện tử với độ tin cậy cao nhằm mang lại nhiều giá trị cho khách hàng;
6. Hợp tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các ngân hàng quốc tế cũng là một đề nghị quan trọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thông qua đối tác chiến lược, chúng ta sẽ học nhiều về quản trị rủi ro, về tạo ra sản phẩm tài chính, ngân hàng vốn đang rất hạn chế về chủng loại sản phẩm, tính năng, loại hình dịch vụ;
7. Cuối cùng là vấn đề tích tụ tài chính và gia tăng đầu tư. Quy mô ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào năng lực tài chính. Sức cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào quy mô. Chính Ngân hàng nhà nước cũng nhìn thấy rủi ro đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ nên đã liên tục gây sức ép tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng TMCP trong nước. Do vậy, các ngân hàng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn, hình thức tiếp cận, mời chào đối tác, kênh huy động, v.v để có thể gia tăng nguồn vốn cho ngân hàng.
Với sự chuẩn bị chu đáo và có lợi thế sân nhà, hy vọng là các ngân hàng TMCP trong nước sẽ vững vàng tăng trưởng phục vụ cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng
TP HCM, 4/10/2009
Mai Thị Anh Phụng
(Chuyên gia Ngân hàng, Nguyên Vice President JPMorgan Chase N.A. CN HCM)
Đoàn Đình Hoàng (Chuyên gia tư vấn thương hiệu)
Comments
Post a Comment