Mùa vàng và nụ cười rạng rỡ
Có một hệ thống tổng kho, chúng ta sẽ giải được bài toán tồn trữ trong xuất khẩu, điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời nâng giá trị hàng xuất khẩu và chủ động được đầu ra. Chúng ta đã nói nhiều đến việc Việt Nam là cường quốc về xuất khẩu nông sản, nhưng chưa bao giờ Việt Nam thể hiện được vai trò này.
Nghiên cứu cho thấy thay vì hỗ trợ vốn, lãi suất cho các đơn vị thu mua chế biến xuất khẩu lương thực như cách làm trong nhiều năm qua, Nhà nước nên sớm xây dựng hệ thống tổng kho để dự trữ lương thực với cách vận hành "mở" và linh hoạt hơn.
Khi có hệ thống tổng kho, nếu giá lúa thấp, nông dân không bán lúa mà mang lúa gạo đến ký gửi ở tổng kho của Nhà nước. Khi nhận được đơn xác nhận ký gửi hàng hóa từ Nhà nước, nông dân có thể đến ngân hàng vay một khoản tín dụng tương đương với giá trị lúa đã ký gửi ở tổng kho. Số tiền vay này có thể dùng trang trải trong cuộc sống hàng ngày, mua sắm vật tư chuẩn bị cho vụ mùa mới. Giá cả luôn được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. Khi nguồn cung giảm, giá sẽ tăng. Khi đạt được mức giá như mong muốn, người dân sẽ bán lúa (gạo) ra và giải chấp vốn vay ở ngân hàng. Với mô hình này nông dân sẽ có mức lời mong đợi, không phải bán tháo hàng hóa khi giá ở mức thấp.
Hệ thống tổng kho không phải là nơi giữ hàng hóa miễn phí cho nông dân, doanh nghiệp mà đây còn là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Với nguồn lực trong tay, Nhà nước phải đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho và tổ chức đấu thầu cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia khai thác. Ví dụ một hệ thống tổng kho vùng có năng lực lưu trữ 1 triệu tấn hàng hóa sẽ được chia thành bốn hệ thống kho phụ, mỗi kho có sức chứa 250.000 tấn sẽ được chia nhỏ ra cho các đơn vị khai thác, Nhà nước cần đưa ra giá sàn với mức hợp lý mà nông dân và doanh nghiệp đều có khả năng ký gửi hàng hóa và đặt ra thời hạn thu hồi vốn cho các hệ thống kho này.
Nếu có hệ thống tổng kho, người nông dân sẽ ít lệ thuộc vào thương lái hơn, hàng hóa không đi qua nhiều khâu trung gian. Ví dụ hệ thống tổng kho ở khu vực phía Nam có thể đặt ở Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu và An Giang. Nông dân ở đây có thể đưa sản phẩm của mình đến kho gần nhất để ký gửi.
Đoàn Đình Hoàng,
(Kinh tế Sài Gòn, ngày 28/10/2010)
Comments
Post a Comment