Sáng 25/3/2011, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với NHNN, Bộ tài chính gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để tìm cách thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ “Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp”.
Không phủ nhận thành tựu của nông nghiệp trong thời gian qua với thành tích đáng khích lệ khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 đạt trên 19,2 tỷ USD, có 7 mặt hàng vượt ngưỡng 1 tỷ đô la xuất khẩu/năm, nông nghiệp đóng góp 20% GDP của cả nước,.. Nhưng cũng còn đó không ít trăn trở vì nông nghiệp VIệt Nam vẫn có sứ cạnh tranh yếu, nông dân vẫn còn nghèo, doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn kinh niên chậm giải quyết.
Diễn đàn cũng đã nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như thủy sản, café, điều, mía đường, phân bón, chăn nuôi, con giống, trồng rừng. Tuy số phát biểu chưa phản ánh được toàn diện ngành nông nghiệp Việt Nam do thời gian chỉ giới hạn trong vài giờ đồng hồ. Nhưng qua đó cũng gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ.
Vấn đề có tính đặc trưng trong tất cả các lĩnh vực, tất cả các doanh nghiệp là bài toán về vốn. Với đặc thù của ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên việc thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của các doanh nghiệp nông nghiệp. Thiếu vốn hầu như nằm ở tất cả mọi khâu của chuỗi giá trị, từ vốn đầu tư công nghệ, đến vốn lưu động mua nguyên liệu, tồn trữ thành phẩm. Bài toán vốn mặc dầu cấp bách và quan trọng nhưng lời giải vẫn còn là một thách thức lớn khi ngành nông nghiệp Việt Nam suốt một thời gian dài không luôn bị chèn lấn bởi các khu vực kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ; đầu tư vào nông thôn thì bị chèn lấn bởi khu vực đô thị. Đại diện Bộ tài chính cũng chỉ biết chia sẻ với doanh nghiệp vì không tìm đâu ra nguồn vốn để phân bổ nhiều hơn nữa cho nông nghiệp.
Bên cạnh vốn, việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp vẫn là bài toán muôn năm cũ khi vòng lẩn quẩn còn đó. Xuất khẩu nông phẩm thô, giá trị gia tăng thấp, không có thương hiệu nên không có lời. Vì không có lợi nhuận nên việc tái đầu tư để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu không được chú trọng và sản phẩm lại xuất thô. Những vấn đề về hạ tầng nông thôn, chính sách nông nghiệp, lao động, về thu nhập của người nông dân, … cũng được đề cập nhưng vẫn chưa có quyết sách nào mang tính khả thi được đề xuất từ cả ở góc độ doanh nghiệp và nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Một bức tranh lớn có thể nhìn thấy xuyên suốt diễn đàn là phần lớn doanh nghiệp còn rơi vào những kiến nghị mang tính vụn vặt, sự vụ, luôn yêu cầu hỗ trợ nhưng chỉ theo lối mòn của tư duy bảo hộ, đi ngược lại với nền nông nghiệp tự do cạnh tranh trong khuôn khổ WTO mà Việt Nam là thành viên. Các nhà quản lý thì luôn cho rằng đã nỗ lực rất nhiều cho ngành nông nghiệp nhưng chỉ dừng ở mức chính sách chứ triển khai không bao nhiêu.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam thiếu sức cạnh tranh có phần của nhiều thành phần cả Nhà nước, doanh nghiệp và kể cả người nông dân. Ở vai trò nhạc trưởng, Nhà nước đã không có một chiến lược phù hợp để tạo dựng vị thế nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị thế giới và chính sách triển khai còn dàn trải, chưa tập trung đúng mức vào lĩnh vực, vào khâu đột phá. Hạ tầng nông thôn, quy hoạch, đầu tư cho nguồn nhân lực chưa xứng tầm. Hiện tượng được mùa, mất giá, người nuôi treo ao, tranh mua nguyên liệu mía, xuất khẩu với giá thấp, … là biểu hiện của sự yếu kém trong hoạch định và triển khai chính sách cho nông nghiệp. Doanh nghiệp thì còn ỷ lại, thiếu tính năng động, không có tầm nhìn và định hướng chiều sâu. Sau hàng chục năm sản xuất và xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam vẫn chỉ xuất thô, giá trị thấp, không có thương hiệu là những biểu hiện của sự yếu kém đối với các doanh nghiệp. Hệ quả này, cũng còn có sự góp phần của chính người nông dân. Tư tưởng bảo thủ, tâm lý bầy đàn, canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thích làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Hàng hóa có chất lượng không ổn định, độ đồng đều thấp, làm theo phong trào, trong chờ sự trợ giúp của Nhà nước, … là những bằng chứng yếu kém từ phía người nông dân.
Muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cần có sự tham gia góp sức từ mọi ngành, mọi giới trong xã hội. Doanh nghiệp phải đi tiên phong, định hướng mạnh mẽ với cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhà nước hỗ trợ với vai trò nhà kiến tạo khi đầu tư hiệu quả vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giáo dục, khơi thông nguồn lực bằng các chính sách hữu hiệu. Người nông dân phải là nhân vật chủ lực trong cuộc chiến này; phải chấp nhận thay đổi, phải cập nhật và ứng dụng kiến thức khoa học và canh tác, phải chủ động điều chỉnh để thích nghi với nhu cầu thị trường. Và hơn hết, xã hội phải thực sự đứng cùng chiến tuyến với ngành nông nghiệp. Nhiều kỷ sư, chuyên gia chịu về với ruộng đồng, nhiều ngân hàng, định chế tài chính chịu đồng hành cùng nông dân. Và trên tất cả, mỗi người dân Việt Nam hãy ủng hộ bằng hành động thiết thực nhất, tiêu xài và nhiệt thành quảng bá cho hàng Việt.
Hãy hành động ngay. Thế giới không chờ đợi ta.
Bình Định, 26/3/2011
Đoàn Đình Hoàng
Comments
Post a Comment