Boycott them, please!!! |
Những ngày này, trên các diễn đàn phi chính thống sục sôi khí thế chống Tàu. Đây là một biểu hiện đáng trân trọng của rất nhiều người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Những gợi ý từ tầm chiến lược như liên minh với Mỹ, tăng cường năng lực quân đội, lập lượng lực hỗ trợ ngư dân cho đến những hành động thiết thực như biểu tình, không tẩy chay hàng Tàu, …
Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào cũng cần có một sự tính toán đầy đủ để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Xin được đưa ra một số gợi ý về Chiến tranh nhân dân trong việc chống Tàu.
Về tương quan lực lượng, Việt Nam là một nước nhỏ so với Tàu về dân số, tiềm lực quân sự, tiềm lực tài chính. Trong một thời gian quá dài, Việt Nam đã bị ru ngủ bởi dã tâm bành trướng thông qua 16 chữ và 4 tốt (ít nhất là sự tuyên truyền chính thống và sâu rộng). Đoạn trích dẫn dưới đây cho thấy tương quan kinh tế giữa VN và Tàu là rất lớn.(Trích nguồn từ www.thuongmai.vn) "Hiện, thị trường nội địa Trung Quốc đang được sắp xếp lại do Chính phủ chuyển hướng kinh tế từ hướng ra xuất khẩu (XK) sang chủ động mở rộng nhu cầu trong nước. Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng nội địa của Trung Quốc, hàng hóa NK vào thị trường này sẽ khó khăn hơn.
Mất cân bằng cán cân thương mại
Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 27,33 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2009. Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, cán cân thương mại Việt-Trung đang ở thế mất cân bằng.
Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Năm 2010, Việt Nam XK 7,3 tỷ USD, tăng 49% và nhập khẩu (NK) 20,02 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2009. Cơ cấu mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc chưa có sự chuyển dịch. Nhóm hàng nguyên, nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trung bình khoảng 55% trong 3 năm qua. Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản được coi là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhưng trong giai đoạn 2006-2010, tỷ trọng trung bình chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhóm hàng công nghiệp có mức tăng trưởng cao, song 3 năm qua, cũng chỉ chiếm tỷ trọng trung bình 10% trong tổng kim ngạch XK.
Trung Quốc trở thành thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, hóa chất, sắt thép, máy móc thiết bị, phân bón... Ông Đào Ngọc Chương Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương nói:" Những tháng đầu năm 2011, nhập siêu có dấu hiệu chững lại, song từ nay đến cuối năm, chưa biết có đạt được mức nhập siêu Quốc hội giao!". (hết trích)
Thâm hụt thương mại trong ngoại thương với Tàu đã ngấp nghé 17 tỷ đô la năm 2010. Đây là một áp lực bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, tẩy chay hàng Tàu sẽ giúp lành mạnh nền kinh tế Việt Nam và khơi dậy ý chí chống Tàu của dân tộc. Cuộc chiến Tẩy chay Tàu khó thành công nếu không được sự hưởng ứng rộng rãi trong dân chúng.
1. Trước hết, xin tập trung vào giải pháp tuyên truyền. Cuộc sống hiện rất khó khăn, mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là dân nghèo và dân nông thôn đang phải vật lộn mưu sinh nên có thể chưa thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề và không nhìn hết ích lợi của cuộc chiến này. Tất cả các kênh truyền thông, ngay lập tức xoá hẳn và toàn diện các chương trình có xuất xứ từ TQ như phim ảnh, tin tức, giải trí, du lịch, … Thay vào đó tập trung tuyên truyền mạnh mẽ những tin tức liên quan đến một Trung Quốc bá quyền, thâm hiểm, ô nhiễm, bóc lột lao động đến tự tử tập thể, hạn hán, lụt lội do xây đập thuỷ điện, bắt bớ bloggers, giam cầm văn nghệ sỹ, hàng hoá chứa chất độc, bị tẩy chay tiêu dùng ở các nước, … Tuy nhiên, với những gì giới truyền thông chính thống phản ứng vừa qua, giải pháp này khó thành hiện thực dù là giải pháp quan trọng nhất. Chính chúng ta, những người dân bình thường hãy thể hiện quyền lực của mình thông qua việc không xem những phim ảnh, văn hoá ca tụng TQ và tẩy chay đài truyền hình, kênh truyền thông tuyên truyền cho TQ. Bằng quyền lực của mình, tôi tin các kênh truyền thông sẽ phải thay đổi vì khi không có người xem sẽ không có quảng cáo, nhà đài cũng chỉ sống vật vờ mà thôi
2. Kế đến, xin tập trung vào giải pháp đầu tư và xuất khẩu. Ngay lập tức ngưng toàn bộ hoạt động xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên, nguyên liệu thô, nông sản thô, … Chúng ta có thể mất nguồn thu khoản trên 7 tỷ đô la (số liệu 2010). Một phần trong số này vẫn có thể xuất sang thị trường khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, .. Phần nguồn thu XK vừa giữ được tài nguyên cho con cháu trong tương lai vừa cắt giảm đầu tư cho các DN Nhà nước, các dự án không hiệu quả, vừa khỏi bị thất thoát do tham nhũng. Ngưng ngay các dự án đầu tư do Tàu tham gia vì các dự án này chỉ biến VN thành bãi rác công nghệ lạc hậu từ Tàu và biến nước ta thành con nợ của Tàu mà thôi. Một mũi tên bắn hai đích, Chống Tàu và lành mạnh hoá nền kinh tế Việt Nam.
3. Về giải pháp nhập khẩu. Việt Nam đang nhập khẩu trên 20 tỷ đô la (2010) từ TQ. Trong đó có cả nguyên liệu cho sản xuất và hàng hoá thành phẩm cho tiêu dùng. Trung Quốc đã là công xưởng sản xuất cho toàn thế giới, do vậy, việc tẩy chay hàng TQ sẽ là khó khăn nếu yêu cầu tẩy chay tuyệt đối. Chúng ta cần phân hàng tiêu dùng làm 3 nhóm
a. Nhóm khuyến khích sử dụng: Thương hiệu thuần Việt (của Việt Nam và sử dụng nguyên liệu VN hoặc nước khác không phải của TQ), Thương hiệu Non China, Made in Non China.
b. Nhóm cảnh báo: là những thương hiệu Non China nhưng Made in China hoặc Non China nhưng sử dụng nguyên liệu từ China
c. Nhóm tẩy chay tuyệt đối: thương hiệu China cho dù được làm ở bất kỳ nơi nào trên thế giới như Lenovo, Haier, TCL, Dongfeng, ….
Việc tẩy chay cần thực hiện cả ở khâu phân phối và tiêu dùng. Chúng ta ngưng ngay hoạt động phân phối và tiêu dùng hàng hoá nhóm c và cảnh báo chỉ tiêu dùng ở mức tối thiểu ở nhóm hàng hoá b.
Các doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ TQ cần cấp bách chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác. Sự thực, chúng ta điều biết nguyên liệu, hàng hoá TQ có giá rẻ nhưng chất lượng kém, độc hại, nguy hiểm. Việc nhập nguồn nguyên liệu từ quốc gia khác có thể làm đội giá thành nhưng nếu doanh nghiệp công bố không dùng nguyên liệu từ TQ chắc sẽ được ủng hộ và chọn mua bởi người tiêu dùng.
4. Về giải pháp tiếp thị xã hội: nên lập ra trang web như www.taychayTQ.vn để tuyên truyền cho các DN hưởng ứng chương trình. Vừa rồi, có doanh nghiệp lữ hành đã Đóng tour du lịch TQ và tháo thông tin về TQ trên website. Sự kiện này được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên mạng, ngay cả còn được đưa tin trên trang bbc tiếng Việt. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất tốt trong tiếp thị xã hội. Vừa tạo tiếng vang, vừa lan truyền rộng rãi vừa gặt hái được tình cảm từ người tiêu dùng. Trang web này sẽ như một mạng xã hội, cổ suý hành vi Tẩy chay TQ và lên án doanh nghiệp, người tiêu dùng thờ ơ hoặc cố tình tiếp tay cho bọn bành trướng
Mong được hưởng ứng và đóng góp nhiều hơn nữa những giải pháp cho trận chiến Tẩy chay TQ.
HCM, June 4th 2011
Đoàn Đình Hoàng
Comments
Post a Comment